Trong Phật giáo, Nghiệp được hiểu là một định luật chỉ ra rằng mỗi một nguyên nhân đều tạo ra một hậu quả, có nghĩa là các hành động, việc làm hay lời nói của con người đều có tạo ra những hậu quả sau đó. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng Vật phẩm Phật giáo tìm hiểu chi tiết khái niệm “nghiệp là gì?” qua bài viết dưới đây.
I. Nghiệp (Kamma) là gì?
Trong Phật giáo, một hành vi, ý nghĩ, lời nói hình thành nên Nghiệp chỉ khi chúng có tác ý (cetanā) hay có ý định, mục đích, tức là những hành vi, ngữ ngôn, dự định, thái độ… ấy được làm hay khởi phát một cách có động cơ. Trong kinh Tăng chi, Đức Phật đã nói rằng: “Này hỡi các Tỳ Kheo, ta gọi điều có ý chí là Nghiệp. Bởi chính ý chí mà chúng sanh tạo ra Nghiệp qua thân, khẩu và ý”.
Ngoại trừ hành động của chư Phật và chư vị A La Hán, mọi hành động có tác ý đều được gọi là Nghiệp. Mặc dù chư Phật và chư vị A La Hán vẫn còn chịu ảnh hưởng từ những gieo nhân trong quá khứ, tuy nhiên, các Ngài không còn tạo Nghiệp mới nữa vì đã thoát ra ngoài cái lành và cái dữ, đã tận diệt được hai nguồn gốc của Nghiệp là vô minh và ái dục. Cụ thể, Ratana Sutta (Tam Bảo Kinh) ghi rằng: “Mầm giống (Khina-bija) đã bị tận diệt, những ham muốn vị kỷ không còn khởi sanh.”
Tuy không còn tạo Nghiệp, không có nghĩa là chư Phật và chư vị A La Hán sống một cách thụ động. Theo đó, hai vị luôn luôn hoạt động một cách tích cực để tạo an lành, hạnh phúc đến cho mọi chúng sanh. Hành động của các ngài đều là việc thiện, không có tác ý, không có năng lực tạo Nghiệp. Nhờ am hiểu tường tận thực tướng của vạn pháp, chư Phật và chư vị A La Hán đã phá tan mọi thằng thúc (kiết sử) trói buộc chúng sanh trong vòng luân hồi – những chuỗi dài nhân và quả.
Một vài hệ thống tín ngưỡng nhìn nhận rằng các chênh lệch trong xã hội đều xuất phát từ Nghiệp, tuy nhiên khi đề cập đến Nghiệp thì lại chủ trương rằng mọi hành động dù có tác ý hay không thì vẫn đều tạo Nghiệp. Theo chủ trương ấy, một người phạm tội dù cố tình hay vô ý thì cũng đều như nhau. Hay đứa bé trong bào thai, vô tình làm cho mẹ đau đớn cũng như bà mẹ vô ý làm đau đứa con trong lòng mình thì hẳn cũng tạo Nghiệp bất thiện. Do đó, lập luận như vậy dĩ nhiên sẽ đưa đến một định thức phi lý.
Xem thêm các bài viết liên quan đến kiến thức Phật giáo liên quan khác:
- Sự ra đời và con đường tu tập của La Hầu La – vị Sa-di đầu tiên của Đức Phật
- Tứ vô lượng tâm là gì? Từ bi hỷ xả có ý nghĩa như thế nào?
Nghiệp là gì?
Trong sự báo ứng của Nghiệp, Tâm là yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi lẽ, tất cả những việc làm, hành động, lời nói và tư tưởng đều bị ảnh hưởng bởi Tâm:
“Khi không điều phục được tâm tức nhiên không thể kiềm chế được việc làm, lời nói, và tư tưởng. Điều phục tâm tức kiềm chế thân, khẩu, ý.”
“Chính tâm dẫn dắt thế gian, chính tâm lôi kéo thế gian và tất cả mọi người đều làm chủ cái tâm.”
Ngoài ra, Kinh Pháp cú có câu:
“Tâm dẫn đầu mọi hành động. Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả. Nếu nói hay làm với tâm ác thì do đó, đau khổ sẽ theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe.”
Cái tâm vô hình là nguyên nhân gây ra những xáo trộn cho thế gian vật chất và từ đó tạo nên tất cả những tác động báo ứng của Nghiệp.
Nghiệp không nhất thiết chỉ là các hành động, việc làm, lời nói trong quá khứ, mà nó còn bao hàm cả quá khứ và hiện tại. Như vậy có thể nói rằng, hành động của chúng ta trong hiện tại sẽ liên hệ mật thiết với hành động trong quá khứ và đồng thời hành động trong tương lai cũng sẽ có liên quan đến hành động ở hiện tại.
Tuy nhiên, trong sự báo ứng vô cùng phức tạp của Nghiệp thì ta không thể nhìn vào hiện tại mà quả quyết về quá khứ và tương lai của mỗi người. Chẳng hạn như một tên cướp ngày hôm nay có thể trở thành một người như bậc thánh nhân ngày mai hay cũng có thể một người hiền lương đạo đức ngày hôm qua có thể trở nên hư hèn hung dữ sau này.
Bên cạnh đó, giáo lý Nghiệp Báo còn được tuyên truyền vào trong lời mẹ dạy con như sau: “Nếu con ngoan sẽ được mẹ cưng và con sẽ vui vẻ. Nếu con không ngoan mẹ sẽ không cưng và con sẽ buồn”. Từ đó, có thể thấy những cái gì giống nhau thì sẽ thu hút lẫn nhau, tốt đem lại tốt, xấu đem lại xấu. Đó là định luật của Nhân Quả.
Nói tóm lại, Nghiệp Báo là định luật Nhân Quả trong luân lý hay như được gói gọn trong cụm từ “ảnh hưởng của hành động”.
Nghiệp Báo là định luật Nhân Quả trong luân lý đời sống
II. Nghiệp và Quả (Kamma, Vipaka)
Nghiệp là hành động và Quả là phản ứng của hành động ấy. Nói cách khác, Quả là hậu quả của Nghiệp và do đó, mỗi hành động có tác ý đều dính liền với Quả. Ta có thể hình dung rằng Nghiệp như một hạt giống có khả năng trở thành cây, Quả như trái cây và lá, hoa là những sự khác biệt bên ngoài như sức khỏe, sự giàu sang, thịnh vượng, sự bệnh hoạn và những điều bất hạnh trong đời sống vật chất mà không một ai tránh khỏi.
Nghiệp và Quả đều tùy thuộc vào nơi tâm. Cụ thể, hành động (Nghiệp) và hậu quả của hành động ấy (Quả) đều do Tâm tạo nên. Chính vì thế, Nghiệp có thể tốt hay xấu, Quả có thể lành hay dữ.
Nếu Nghiệp thuộc về tâm thì Quả cũng thuộc về tâm. Những khi ta cảm thấy hạnh phúc, khoan khoái trong lòng hay buồn bực đau khổ… thì đó là đang thọ Quả thuộc về tâm. Quả trổ sanh ra tốt hay xấu tùy theo theo Nhân gieo tốt hay xấu.
Trong phạm vi vật chất, Anisamsa là những phước lành như tuổi thọ, giàu sang, khỏe mạnh,… Adinava là những tôi khổ như xấu xí, bần cùng, bệnh tật, yểu tử… Trong đó, Nghiệp là những tâm thiện và bất thiện tại thế (Kusala akusala lokiya citta) còn Quả (Vipaka) là những loại tâm Quả tại thế (lokiya vipaka citta).
Theo Vi Diệu Pháp 255, Nghiệp gồm có 12 loại tâm bất thiện, 8 loại tâm thiện thuộc Dục Giới (kamavacara), 5 loại tâm thiện thuộc Sắc Giới (rupavacara) và cuối cùng là 4 loại tâm thiện thuộc Vô Sắc Giới (arupavacara). Tổng cộng là có 29 tâm tại thế (lokiya citta). Bên cạnh đó, còn có 8 loại tâm siêu thế (lokuttara citta) nhưng không thể coi là Nghiệp vì các loại tâm ấy có khuynh hướng diệt Nghiệp.
Động cơ của tất cả những loại tâm tại thế chính là Tác ý (cetana), trái lại, yếu tố chính yếu trong các loại tâm siêu thế sẽ là Trí tuệ (panna). Đặc biệt, 9 loại tâm thiện thuộc Sắc Giới và Vô Sắc Giới (5 thiện Sắc Giới và 4 thiện Vô Sắc Giới) hoàn toàn chỉ thuộc về tâm, không biểu hiện dưới hình thức hành động, việc làm và lời nói như 20 loại tâm thuộc Dục Giới.
Tất cả 29 loại tâm kể trên đều được gọi là Nghiệp bởi vì các loại tâm ấy có khả năng tạo Quả một cách tự động, không cần trợ lực từ các yếu tố nào ở bên ngoài.
Nghiệp và Quả đều thuộc trong tâm mỗi con người
Vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ, hậu quả dĩ nhiên phải có của những loại tâm thiện hay bất thiện và được gọi là tâm Quả thuộc Dục Giới. 5 loại tâm Quả thuộc Sắc Giới và 4 loại tâm Quả thuộc Vô Sắc Giới đều là những hậu quả đương nhiên của Nghiệp.
Đã gieo nhân tức phải gặt quả, có thể là lúc này, nơi này, hay lúc khác, nơi khác, trong kiếp hiện tại hay kiếp vị lai. Có thể nói, ngày hôm nay ta nhận lại những gì ra đã gieo trong quá khứ.
Trong bộ Samyutta Nikaya của Tạp A Hàm, có những lời dạy như sau:
“Đã gieo giống nào,
Sẽ gặt quả nấy.
Hành thiện sẽ thâu gặt quả lành. Hành ác sẽ thâu gặt quả dữ.
Hãy gieo giống tốt,
Ta sẽ hưởng quả lành.”
Nghiệp Báo là định luật có hiệu lực trong một phạm vi riêng biệt, không chịu ảnh hưởng của bất kỳ tha lực nào từ bên ngoài đưa vào.
Khả năng tạo ra Quả đã dính liền với Nghiệp. Theo đó, trong hành động (bằng thân, khẩu, ý) đã có tiềm tàng năng lực để tạo Quả, cũng như trong hạt giống đã có tiềm tàng tạo nên cây và sinh ra trái. Nhân sanh Quả, Quả giải thích Nhân hay cũng như hạt sanh trái, thấy trái ta sẽ biết hột như thế nào. Sự liên quan giữa hạt và trái cũng giống như giữa Nghiệp và Quả. “Trong Nhân đã có sẵn mầm giống của Quả.”
Hạnh phúc và đau khổ là những Quả phải có, thường xảy đến cho nhân loại và trổ sanh do Nhân. Phật Giáo không chủ trương có sự thưởng phạt do một thực thể, oai lực siêu phàm toàn năng, tối thượng ban bố dành cho những linh hồn đã làm lành hay gây dữ. Thuyết Duy Thần giải thích mọi việc bằng kiếp sống trường cửu trong tương lai mà không cần biết đến quá khứ. Theo đó, thuyết này tin rằng linh hồn của người chết sẽ trải qua một cuộc phán xét và xem những phước báu, tội khổ trong đời hoàn toàn là do ý muốn của một vị thần, tạo hóa tối thượng, ngự trên cảnh trời và tạo ra càn khôn vạn vật cũng như trọn quyền định đoạt số phận của nhân loại, vật do mình tạo ra.
Phật Giáo không nhìn nhận có một linh hồn nào là trường cửu, được tạo nên một cách ngẫu nhiên và độc đoán. Phật Giáo tin có rằng công lý và định luật thiên nhiên, không phải là do một đấng Thượng đế hay một Đức Phật đại từ đại bi tạo nên. Theo định luật và công lý thiên nhiên ấy thì mỗi hành động, việc làm, lời nói đều gây nên một phản ứng tương xứng mà mọi người thường lầm tưởng đó là sự ban thưởng hay hình phạt.
Gieo nhân nào thì gặp quả nấy liệu có đúng hay không?
Một vài người dựa theo nhận thức riêng của bản thân cho rằng thuyết Nghiệp Báo trong Phật Giáo là một loại nha phiến để nhằm thoa dịu và ru ngủ những người xấu số bằng luận điệu như sau:
“Bây giờ anh phải chịu khó nghèo khổ vì đã tạo Nghiệp xấu trong quá khứ. Anh kia được giàu sang vì anh ấy tạo Nghiệp tốt. Như vậy, hãy cam tâm chịu lấy số phận nghèo đói của anh và cố gắng tạo Nghiệp tốt trong hiện tại để được giàu sang trong kiếp tới.
“Trong kiếp này anh bị hà hiếp bóc lột vì đã tạo Nghiệp xấu trong quá khứ. Hãy nhận lãnh số phận hẩm hiu ấy và nhẫn nại cam tâm chịu khổ. Từ nay hãy ăn hiền ở lành, chắc rằng kiếp sau anh sẽ được giàu sang hạnh phúc.”
Tuy nhiên, Đức Phật không hề dạy như vậy và thuyết Nghiệp Báo trong Phật Giáo cũng không bao giờ chấp nhận một cuộc phán xử sau kiếp sống. Ngài Đức Phật vị tha, từ bi vô lượng, truyền dạy Nghiệp Báo không phải để bảo vệ người giàu và an ủi người nghèo bằng cách hứa hẹn hạnh phúc huyền ảo trong tương lai.
Theo lý Nghiệp Báo, con người chúng ta không bị trói buộc trong một hoàn cảnh nào, vì Nghiệp Báo không phải là số mạng và cũng không phải Tiền Định do một oai lực huyền bí nào đã định đoạt một cách bất khả kháng mà thay vào đó, chính các hành động thiện hay ác của bản thân ta sẽ gây phản ứng lành hay dữ. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tự do tạo ra những phản ứng mới để hòa dịu Nghiệp lực cũng như điều chỉnh Nghiệp của bản thân theo ý muốn.
Như vậy có thể thấy, chúng sanh không bị bắt buộc phải gặt hái trọn vẹn tất cả những gì đã gieo. Đặc biệt, trong một tình trạng và một giới hạn nào đó, với sự cố gắng chánh đáng thì ta có thể sửa đổi cái Nghiệp của bản thân.
III. Nguồn gốc của Nghiệp
Vô minh (avijja) hay không thực sự có được hiểu biết thấu đáo đối với các sự vật là nguyên nhân chính tạo ra Nghiệp. Cụ thể, trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada) có câu:
“Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh.” (avijja paccaya samkhara)
Theo đó, bởi vì không am hiểu được chân tướng của vạn pháp nên chúng sanh mới có những hành động tạo Nghiệp.
Nghiệp có nguồn gốc từ Ái dục và Vô Minh
Ái dục (Tanha), đi liền với Vô Minh, là nguyên nhân khác tạo duyên sanh ra Nghiệp. Chính Vô Minh và Ái Dục là gốc rễ của mọi tội ác. Tất cả hành động của hạng phàm nhân (puthujjana, là những chúng sanh còn trong tam giới) mặc dù bắt nguồn từ ba căn trong sạch là bố thí (alobha, không tham), từ bi (adosa, không sân) và trí tuệ (amoha, không si) thì vẫn còn tạo Nghiệp, vì chưa tận diệt được Vô Minh và Ái Dục. Trái lại, những loại tâm siêu thế (maggacitta, đạo tâm) thì sẽ không tạo Nghiệp vì bản chất của những loại tâm này có khuynh hướng tận diệt Vô Minh và Ái Dục.
IV. Người tạo Nghiệp
Đại Đức Buddhaghosa có viết trong sách Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo) như sau :
“Không có người tạo Nghiệp.
Không có người gặt quả,
Chỉ có sự vận chuyển của Pháp thuần tịnh.
Đó là nhận thức chân chánh.”
Theo Phật Giáo, có hai thực tế đó là thực tế bề ngoài và thực tế cùng tột. Thực tế bề ngoài là các chân lý mặc ước hay Tục đế (sammuti sacca). Thực tế cùng tột là những chân lý trừu tượng, tuyệt đối, hay Chân đế (paramattha sacca).
Một số ví dụ như con người, con vật, đồ vật… Đó đều là những thực tế biểu hiện ra ngoài mà ngũ quan có thể cảm nhận được. Bằng một cách mặc ước, chúng ta đồng ý chấp nhận các danh từ để chỉ những vật ấy.
Chẳng hạn như cái bàn, thực tế biểu hiện ra bên ngoài mà chúng ta có thể thấy. Còn trong ý nghĩa cùng tột, cái bàn sẽ bao gồm sức chịu lực và các tính chất khác của nó. Một ví dụ khác mà ta có thể hình dung là: Khi nói chuyện với mọi người, nhà bác học sẽ gọi nước là nước nhưng khi trong phòng thí nghiệm, nhà bác học gọi nước là H2O. Theo đó, nước là danh từ mặc ước, chế định, phổ thông còn H2O là danh từ chuyên môn, là thực tế tuyệt đối.
Cùng một thế như vậy, trong những chuyện thông thường, chúng ta sẽ dùng các danh từ mặc ước như đàn ông, đàn bà, chúng sanh… Những cái được gọi là hình sắc ấy, khi được phân tách một cách tỉ mỉ cho thấy rằng đó chỉ là những thành phần tâm-vật-lý luôn biến đổi, không thể tồn tại y hệt trong hai khoảnh khắc khác nhau.
Như vậy, Phật Giáo không tin rằng có tồn tại một thực thể đơn thuần không thay đổi, một người hành động tách khỏi Nghiệp hay có nhận thức sự việc mà bỏ qua thức.
Không có một thực thể nào là đơn thuần vĩnh cửu, không thay đổi
– Vậy ai tạo Nghiệp và ai gặt Quả?
Tác ý (cetana) hay ý muốn, là động cơ phát xuất hành động (bằng thân, khẩu, ý) và tự bản thân nó là người tạo Nghiệp. Thọ (vedana) hay cảm giác, là người gặt Quả. Ngoài hai tâm sở ấy, không có ai gieo Nghiệp cũng không có ai gặt Quả.
Đại Đức Buddhaghosa dạy rằng khi các thành phần vật chất phối hợp lại, cấu thành cái gọi là cây, vào một ngày nào và ở một điểm nào trổ ra trái, thì ta nói “cây sanh trái”. Cùng đường thế ấy, năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) phối hợp lại, cấu thành Thiên hay người, một ngày nào, quả lành hay quả dữ thổ sanh thì ta nói rằng vị Thiên hay người ấy có phước hay vô phước.
Về điểm này, những người theo đạo Phật cũng đồng quan điểm với giáo sư William James khi ông bác bỏ luận cứ của Descartes và chủ trương rằng:
“Chính tư tưởng là người tư tưởng”
V. Nghiệp ở đâu ?
Một nhà phân tách tâm linh có viết như sau:
“Nghiệp được tích trữ bên trong phần tâm linh, nhưng thông thường chỉ có một số ít người tìm ra và xâm nhập được vào thâm cung bí hiểm của tâm linh ấy. Nghiệp là sự thâu nhận trọn vẹn tất cả những kinh nghiệm đã trải qua, những cảm giác đã thọ, những ảnh hưởng đã thâm nhiễm của một cá nhân. Tiềm thức không phải chỉ trung thực ghi nhận những kinh nghiệm cá nhân mà còn giữ lại những cảm xúc và những khuynh hướng sơ khởi và – mặc dầu hình như suy giảm lần trong con người văn minh dưới lớp lễ nghi hình thức của xã hội – vẫn còn tiềm lực mạnh mẽ có thể bộc phát một cách bất ngờ với một năng lực hùng hậu không thể đoán trước được.”
Những người Phật tử cũng nhận định như vậy, nhưng với một ý niệm sửa đổi căn bản khác biệt.
Phật Giáo chủ trương rằng Nghiệp không được tàng trữ, lưu trữ trong một nơi nào gọi là tâm linh. Tuy nhiên, mỗi kinh nghiệm, mỗi cảm giác hay mỗi ảnh hưởng đã ghi nhận lại, mỗi đặc tính, phàm hay thánh của mỗi cá nhân đều được phát triển tùy theo sự biến đổi liên tục của những hiện tượng tâm-vật-lý của cá nhân ấy.
Nói tóm lại, tất cả Nghiệp lực đều tùy thuộc nơi biến đổi của luồng tâm lực (citta santati) và luôn sẵn sàng phát hiện trong muôn ngàn hiện tượng, mỗi khi có cơ hội.
Vua Milinda có hỏi Đại Đức Nagasena:
– “Kính bạch Đại Đức, Nghiệp được tích trữ ở đâu?
Tâu Đại vương, ta không thể nói Nghiệp được tích trữ ở một nơi nào trong cái tâm luôn luôn biến đổi, hay ở một nơi nào khác trong thân thể con người. Nhưng tùy thuộc nơi danh và sắc, Nghiệp khởi hiện trong một lúc thích ứng. Cũng như ta không thể nói trái xoài được tích trữ ở nơi nào trong cây xoài nhưng, tùy thuộc nơi cây xoài và khi đầy đủ cơ duyên, nó sẽ trổ ra đúng lúc, đúng mùa.”
Cũng như không thể trả lời rằng gió hay lửa nằm ở nơi nào nhất định thì ta cũng không thể quả quyết Nghiệp được chứa đựng ở bên trong hay ngoài thân.
Nghiệp là một năng lực cá biệt được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác và thủ một vai trò quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh của con người. Nghiệp giải thích những hiện tượng kỳ diệu mà ta gọi là vĩ nhân, thần đồng hay thiên tài,… Sự hiểu biết rành mạch về Nghiệp Báo chính là điều kiện chánh yếu khả dĩ tạo tình trạng an lành hạnh phúc cho thế gian.
Nghiệp không tồn tại, lưu trữ ở một nơi nhất định trong hay ngoài cơ thể
Bài viết trên của Vật phẩm Phật giáo đã tổng hợp những thông tin bổ ích có liên quan đến Nghiệp cũng như giải đáp các thắc mắc về Nghiệp và Quả. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những khái niệm này để từ đó tiến xa hơn trong việc tu hành.
Nam Mô A Di Đà Phật!