Trong mười hạnh lớn của Bồ Tát Phổ Hiền thì sám hối được xếp ở hàng thứ tư, vậy nên trong Phật giáo có câu “Tứ giả sám hối nghiệp chướng”. Theo đó, nghiệp chướng là các nghiệp, việc làm xấu ác mà bản thân đã tạo ra từ trước nên nay phải ăn năn sám hối. Đây là pháp thâm sâu của giáo lý Đạo Phật. Trong bài viết này, Vật phẩm Phật giáo sẽ đem đến cho bạn cái nhìn chi tiết, sâu sắc nhất về khái niệm sám hối là gì? Cũng như các lợi ích, ý nghĩa của sám hối.
I. Khái niệm về sám hối
Đức Phật thường ca ngợi rằng: “Ở đời có hai hạng người đáng khen: hạng người thứ nhất là người không có lỗi, hạng thứ hai là người có lỗi mà biết ăn năn sám hối”. Ngài khẳng định:
“Phàm còn xuống lên trong ba cõi, lăn lộn trong sáu đường, thì không một loài nào hoàn toàn trong sạch, không một ai mà chẳng có tội”. Mọi chúng sanh trong cuộc sống này không ai là không có lỗi lầm cho dù là do cố tình hay vô ý tạo nên. Phật tử chính là những người dám mạnh dạn nhận ra những lỗi lầm mà mình phạm phải.
Khác với quan niệm của các tôn giáo khác, trong Phật giáo, sám hối không phải là rửa tội hay xá tội, mà đây là một hành động mạnh dạn nhận ra lỗi lầm của bản thân để tự mình sửa đổi sau đó. Phật giáo không tin có một vị thần thánh nào có thể xá tội hay buộc tội cho một ai mà sám hối chính là phương pháp để phản tỉnh chính mình, giúp thăng hoa tự thân cho mỗi người con của Đức Phật trên con đường tu nhân.
Do đó, có thể xem sám hối là con đường chuyển hóa tam nghiệp trong quá trình hoàn thiện nhân cách của mỗi con người từ địa vị phàm phu cho đến khi bước lên Phật quả.
Xem thêm các bài viết liên quan đến kiến thức Phật giáo liên quan khác:
Sám hối là ăn năn, hối lỗi về những nghiệp chướng, điều xấu ác mà mình đã làm
1. Sám hối là gì?
Định nghĩa: Sám hối được gọi là Samma theo phiên âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch âm là “hối quá”. Trong kinh nói rằng: “Sám giả, sám kỳ tiền khiên, Hối giả, hối kỳ hậu quá” (ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau).
Như vậy, sám hối là tự mình nhận ra, ăn năn, hổ thẹn về những lỗi lầm đã tạo ra trước đây, đồng thời nguyện cố gắng sửa đổi và không dám tái phạm lại những lỗi lầm đó một lần nào nữa. Ngoài ra, sám hối còn được gọi theo cách gọi khác là “ăn năn chừa bỏ”, đây là trọng tâm của sự sám hối. Tuy nhiên, nếu cứ phạm tội rồi lại sám hối hết lần này đến lần khác thì như thế sẽ không còn ý nghĩa và đây cũng không phải là phương pháp sám hối mà Phật dạy bảo.
Sám hối có thể xem như là sự mạnh dạn ăn năn nhận lỗi khi bản thân gây ra điều lỗi lầm, sai trái đối với người khác, khiến cho người đó buồn phiền tức giận. Trong Phật giáo cũng vậy, nếu thân hành động sai, lời nói không khéo, ý buông lung niệm ác, nay nhận ra bộc lộ lỗi lầm của mình, tha thiết hối lỗi và quyết không tái phạm lần sau.
– Các pháp sám hối: Lỗi lầm là do tâm tạo ra, cho nên cũng phải do tâm ăn năn, sám hối. Chính vì lẽ đó mà các vị sư tổ đã chọn lọc các phương pháp sám hối trên cả hai phương diện lý và sự. Theo đó, bài văn mà người Phật tử thường đọc nhất mỗi khi tác pháp sám hối là:
“Xưa nay đã tạo bao ác nghiệp,
Đều bởi vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý mà sanh ra
Tất cả, nay con xin sám hối.”
– Về sự sám hối:
- Tác pháp sám hối: Lập đàn thỉnh chư Tăng chứng minh, người sám hối sẽ trình bày về các lỗi lầm của mình và thành khẩn ăn năn, sửa đổi, không tái phạm nữa.
- Thủ tướng sám hối: Người sám hối đến thành tâm lễ bái trước bàn thờ Phật và Bồ Tát từ 1 ngày, 7 ngày cho đến 49 ngày, khi nào thấy được tướng hảo của Phật và Bồ tát hoặc hoa sen thì mới thôi.
- Hồng danh sám hối: Là pháp sám hối do Bất Động pháp sư đời Tống biên soạn từ 53 danh hiệu Phật trong Kinh Ngũ Thập Tam Phật và rút 35 danh hiệu trong kinh Quán Dược vương, Dược Thượng. Đây là nghi thức sám hối được các nhà Chùa tại Việt Nam thường xuyên sử dụng nhất trong những ngày Sám hối.
– Về lý sám hối:
- Vô sanh sám hối: Là lý sám hối dành cho những người có căn cơ cao.
- Quán tâm vô sanh: Là lý được rút từ Kinh Kim Cang: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được và tâm vị lai cũng không thể được“. Dùng pháp quán để thấy rõ được: “Tội từ tâm sanh cũng từ tâm mà diệt”.
- Quán pháp vô sanh: Quan sát thật tướng không sanh diệt “Ở thánh không tăng ở phàm không giảm“; Đây là ý chỉ cho chơn tâm, Phật tri kiến, Pháp thân… bởi lẽ khi nhận được chơn tâm rồi thì các tướng sanh diệt sẽ không còn.
Mỗi chúng sanh có thể sám hối theo từng cách thức khác nhau
Tuy có nhiều cách khác nhau để sám hối nhưng mỗi Phật tử chúng ta phải tự lựa chọn cho mình một cách phù hợp nhất với bản thân để nương nơi đó mà sám hối và miễn sao ta đọc và hiểu được nghĩa lý của việc làm thì thật sự mới có lợi ích. Trái lại, miệng đọc mà không hiểu thì chẳng có ý nghĩa, lợi ích gì cả.
II. Lợi ích của sám hối
Nếu Phật tử biết sám hối thì có nghĩa là người ấy đã biết sửa đổi và theo đó sẽ có tiến bộ trên con đường tu tập sẽ được những lợi ích thiết thực trong hiện tại cũng như tương lai. Đức Phật đã giảng dạy trong kinh Trường A Hàm:
“Ai biết sửa đổi lỗi lầm thì người đó có tiến bộ trong giáo pháp của Như Lai” và Ngài cũng đã khẳng định: “Người có lỗi không biết sửa đổi, diệt trừ nơi tự tâm, thì lỗi ấy sẽ đến thân, như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng” (Kinh tứ thập nhị chương).
Qua đó, ta có thể rút ra được những lợi ích của sám hối như sau:
- Mọi hành động trong cuộc sống sẽ không bị sa vào lầm lỡ vì ta đã có ý niệm sám hối, biết nhận ra lỗi lầm.
- Phẩm giá được nâng cao, các hạnh lành ngày càng phát triển, vì không tạo nhân xấu trong hiện tại.
- Thân tâm luôn nhẹ nhàng, không còn lo âu phiền muộn.
Sám hối giúp tâm hồn con người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và đồng thời phát triển các hạnh lành, đức tính tốt
III. Ý nghĩa của sám hối
1. Sám hối những giới đã phạm
Nếu tội lỗi có hình tướng thì dẫu cả hư không vô tận kia cũng không thể chứa hết tội lỗi mà chúng sanh đã tạo tác từ thời vô thủy đến nay. Quả vậy, con người chúng ta đã từ vô lượng kiếp trôi lăn, tội lỗi chất chồng lớp lớp, truyền nối nhiều đời không kể xiết được.
Ngay từ khi sinh ra, mỗi con người chúng ta đã mang sẵn nhiều nghiệp chủng khác nhau, do đó sẽ tạo nên những cá tính khác nhau. Theo đó, mỗi người sẽ có một tâm lý, tính tình, khả năng, thói quen và các tật ác riêng. Những tham, sân, mạn, tật đố, hiềm hận, bạc ơn… đã có sẵn đầy đủ trong mỗi chúng ta và do duyên sanh, hiện hành… làm nhân, làm quả tương tục, bất tận.
Tất cả những “tiền khiên tội lỗi” ấy đã bám rễ từ nhiều đời, mọi phương cách sám hối đều khó có thể thể rửa sạch chỉ có tu tuệ quán mới có thể bứng nhổ được, khiến chúng không còn sanh khởi.
Sám hối để thoát khỏi những ăn năn, ám ảnh tội lỗi về những điều sai mình đã phạm phải
Đối với những tội lỗi trong hiện tại, sau khi sám hối, nguyện ăn năn sửa đổi, chúng ta sẽ cảm thấy thấy thân tâm thư thái, nhẹ nhàng cũng như không còn bị ám ảnh về tội lỗi nữa. Thoát được ra khỏi ám ảnh tội lỗi là ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ý nghĩa rất lớn nhờ việc sám hối đúng đắn mang lại.
2. Nguyện xin chừa bỏ từ nay về sau
Khi sám hối thì sẽ nguyện chừa bỏ về sau không dám tái phạm nữa và theo đó cố gắng sống tốt hơn cũng như cố gắng phát triển những hạnh lành, đức tính thanh cao của bản thân.
Quả vậy, nếu những điều xấu ác đã có sẵn quá nhiều thì những đức tính tốt đẹp, cao cả mà chúng ta có được từ “vô thỉ dĩ lai” (có nghĩa là “từ khởi thủy rất lâu xưa đến nay”) cũng nhiều đến vô lượng vô biên. Những đức tính, thiện pháp thanh lương và cao sáng ấy bao gồm: đức tính chân thật, từ ái, nhẫn nại, đức tin, tấn, niệm, vô tham, vô sân, tàm, quý…
Ý nghĩa của sám hối không đơn thuần chỉ là chừa bỏ các điều ác, tật xấu mà còn nhằm phát triển những hạnh lành, đức tính tốt của con người. Theo đó, ta phải làm cho những cái xấu, cái ác không có cơ hội nảy nở và đồng thời tạo duyên, tạo điều kiện tốt cho những mầm giống thiện nảy sinh, tăng trưởng. Nếu như vậy thì ý nghĩa của sám hối là phải tu tập Tứ Chánh Cần ở trong 37 trợ đạo phẩm, cụ thể:
- Tinh tấn khiến cho những ác niệm đã sanh phải tuyệt dứt (Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn).
- Tinh tấn ngăn giữ những ác niệm chưa sanh, không cho sanh khởi (Ác vị sanh, sử bất sanh ).
- Tinh tấn làm cho niệm lành được sanh khởi (Thiện vị sanh, sử phát sanh).
- Tinh tấn làm cho những niệm lành đã sanh được nảy nở, tăng trưởng (Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng).
Sám hối để con người có thể chừa bỏ những điều xấu ác lại và sửa đổi bản thân
Tóm lại, nhờ có sám hối mà con người có thể cải hóa được những cái xấu, cái ác trong lòng mình để từ đó có thể được an vui, thanh thản do si mê đã lỡ tạo tác phạm giới, ác nghiệp trong quá khứ. Đồng thời, cũng nhờ sám hối mà con người còn có cơ hội phát triển những hạnh lành, đức tính tốt của bản thân để từ đó đem lại hạnh phúc cho mình và người. Chân nghĩa của sự sám hối phải thật sự đúng theo như các câu Kinh Lời Vàng 172 và 173 dưới đây:
“- Trước kia phóng Tứng, mê mờ. Ngày sau tỉnh niệm, hướng bờ giác xa. Đưa tay vén đám mây qua.
Vầng trăng ló dạng, nguy nga hạ huyền!”
(Yo ca pubbe pamajjitvā pacchā so nappamajjati, somaṃ lokaṃ pabhāseti abbhā mutto va candimā).
“- Hồi đầu làm các hạnh lành.
Xóa mờ ác nghiệp đã sanh thuở nào. Trí nhân chiếu sáng trần lao.
Trời quang, mây tạnh, trăng sao đời này!”
(Yassa pāpaṃ kataṃ kammaṃ kusalena pidhīyati, somaṃ lokaṃ pabhāseti abbhā mutto va candimā).
Hy vọng bài viết trên đây của Vật phẩm Phật giáo sẽ giúp các Phật tử, những người tu hành biết thêm được các thông tin về sám hối cũng như hiểu rõ về lợi ích, ý nghĩa của sám hối đối với cuộc sống mỗi con người. Kính chúc quý Phật tử có thể thành công sám hối, bài trừ hết các nghiệp chủng, điều xấu ác trước đây của bản thân.
Nam Mô A Di Đà Phật!