Việc đọc kinh sám hối hằng ngày được nhiều người ngày nay lựa chọn như là cách để giúp họ trút bỏ những gánh nặng trong cuộc sống hằng ngày, tìm lại cho mình cảm giác yên bình trong tâm hồn. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây những bài văn kinh sám hối hằng ngày để có thể dễ dàng áp dụng cho bản thân!
Đọc kinh sám hối hằng ngày giúp cho tâm thanh thản hơn
I. Kinh sám hối là gì?
Sám hối là việc cảm thấy ăn năn, hối hận khi đã làm một việc hay có những suy nghĩ không tốt. Kinh sám hối được coi như là cách để giúp các cá nhân tự tu tập đơn giản mỗi ngày để tu tâm theo những lời dạy của đức Phật.
Kinh sám hối là gì?
Là con người, chúng ta đều không thể tránh khỏi những sai lầm mắc phải trong đời thường, dẫu đó là vô tình hay cố ý. Chính vì thế, khi đọc kinh sám hối, việc đầu tiên mỗi người cần làm đó là nhận ra các lỗi làm của mình, nhìn nhận lại chúng và quyết tâm để bản thân tránh xa nó, không lặp lại chúng lần thứ hai.
II. Kinh sám hối, khấn nguyện số 1.
Con xin cung kính lễ lạy:
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Thập Phương Chư Phật Bồ Tát (3 lần)
Nam Mô Tam Bảo khắp mười phương. (3 lần)
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát (3 lần)
Hôm nay lại bước qua một ngày, con tự biết con đã được rất nhiều may mắn, con đã hưởng được tha lực từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát.
Đức Từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát ban cho, và được chư vị giúp đỡ mà con mới có được ngày hôm nay. Con xin thành tâm thành kính quỳ nơi đây dâng lòng chí thành chí kính tri ân. (1 lạy)
Con xin thành tâm thành kính cầu nguyện sự an lành, an lạc, thanh bình, hạnh phúc cho cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng khắp các chúng sanh hữu tình, vô tình.
Con cầu xin thập phương tam thế chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Từ phụ A Di Đà Phật, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, và chư vị từ bi gia hộ, giúp đỡ để chúng con đồng được sự an lành, an lạc, tu hành đến Tri Kiến Giải Thoát, thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng xin nguyện được vãng sanh về Cực Lạc Quốc. (1 lạy)
Con cũng thành tâm cầu siêu cho vong linh cửu huyền thất tổ, cha mẹ, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp.
Những vong linh liên hệ và không liên hệ đến con,
Những vong linh, sinh vật có thể con vô tình đã lỡ gây hại, sát hại trong quá khứ, trong nhiều kiếp trước,
Cùng những vong linh mất trong chiến tranh, thiên tai, tật bệnh,và vì mọi lý do chưa được vãng sanh.
Con thành tâm cầu nguyện xin tha lực từ bi của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cùng chư vị giúp đỡ để các vong linh được tiếp dẫn về nơi an lạc, siêu sanh Tịnh Độ. ( 1 lạy)
Nay con xin chí thành sám hối mọi tội lỗi con đã vô tình hay cố ý tạo từ nhiều kiếp cho đến nay, những tội con gây trong kiếp sống hiện tại. Những tội do vô minh, do Tham Sân Si, do bởi ngã mạn vô minh che lấp.
Từ nay, mỗi ngày con xin kiểm soát hành động, tư tưởng để sám hối, sửa sai và xin nguyện giữ mình không tái phạm.
(Ghi chú: Nhớ và ghi ra những điều, dù nhỏ, dù lớn mà mình đã gây ra trong kiếp này và thành tâm sám hối)
Hết thảy các tội, con xin chí thành quỳ nơi đây dâng lòng sám hối. Xin chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát chứng minh cho lòng thành của con. (1 lạy)
(Ghi chú: Nếu quý vị làm lễ Sám Hối riêng, hãy đọc lại câu “Hết thảy các tội con xin chí thành quỳ nơi đây dâng lòng Sám Hối. Xin chư Phật mười phương, chư Bồ Tát và Đức Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát chứng minh cho lòng thành của con. (54 hoặc 108 lạy.)
Lưu ý: Sau khi suy nghiệm về lỗi lầm của mình và đọc bài Sám Hối xong, bạn phải phát tâm thực hành tu học, giữ tâm ý của mình trong Tình thương, Bình đẳng và Trí tuệ, chứ không nên để tâm của mình trong ý niệm mặc cảm tội lỗi.
Hồi hướng/Phát nguyện:
Sám hối rồi, nay con xin nguyện tiếp tục tu học, tu hành, hướng tâm tu để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Làm việc lợi mình lợi người.
Con xin hồi hướng, chia sẻ Công Đức đến cha mẹ, thân nhân…(tên…) Đến chư Thiên, chư Thần, chư Thánh, chư Hộ Pháp và chư vị đã giúp đỡ cho con.
Đến những vong linh mà con đã lỡ gây hại, sát hại. Cùng tất cả các vong linh chưa được vãng sanh và pháp giới chúng sanh.
Con nguyện dâng lòng thành kính tri ân, quy y Tam Bảo. Cầu xin Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật , Đức Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi gia hộ để con và chúng sanh đồng được duyên lành tu học thoát khỏi sanh tử luân hồi, trên tri ân chư Phật, dưới cứu độ chúng sanh. Chúng con đồng xin nguyện được vãng sanh về Cực Lạc Quốc (3 lạy)
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
III. Kinh sám hối, khấn nguyện số 2.
Hướng về tất cả (oán thân trái chủ)
Sám hối phát nguyện
Những vị thiện Bồ Tát đã bị chúng tôi làm tổn hại trong nhiều đời nhiều kiếp:
Vô cùng ăn năn xin lỗi (1 lạy)
Xin lỗi, tôi sai rồi (1 lạy)
Xin lỗi, tôi sai rồi (1 lạy)
Xin lỗi, xin tha thứ (1 lạy)
Tôi từ vô thỉ sanh tử đến nay, mê lầm điên đảo, tạo tác đủ thứ tội nghiệp, cố ý hoặc vô ý xúc phạm, tổn hại thậm chí giết hại quý vị, làm cho thân tâm quý vị đã phải chịu đựng dằn vặt tột cùng trong luân hồi, chịu đựng vô lượng đau khổ, đã tăng thêm vô lượng phiền não, khiến cho quý vị đến nay trong u minh không được giải thoát. Tôi sâu sắc cảm thấy tội nghiệp của mình sâu nặng, tội nặng cực ác, quả là không thể tha thứ. Đây đều là do tham, sân, si, mạn, nghi, thân, khẩu, ý tam nghiệp nhiều đời nhiều kiếp, mà tôi đã phạm vào tất cả tội chướng, tất cả sai lầm. Tôi không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt sự hổ thẹn, ân hận và hối lỗi trong lòng. Tôi cũng đủ hiểu, chẳng phải một hoặc hai câu xin lỗi mà có thể hóa giải tổn thương tột cùng trong thân tâm quý vị do tôi gây tạo. Tôi không dám cầu xin sự tha thứ của quý vị, chỉ là thật lòng mong muốn có thể giúp được quý vị mãi mãi lìa khổ được vui.
Nếu trả thù tôi có thể làm cho quý vị giải thoát đau khổ, tôi tuyệt đối không dám chống cự và trốn tránh, cũng tuyệt đối không có một lời oán hận, bởi vì đây là tội nghiệp do tôi tự tạo, đáng phải chịu quả báo. Nhưng bây giờ tôi đã quy y Tam Bảo, đã được nghe Phật pháp, hiểu rõ đạo lý của nhân quả tuần hoàn, biết rằng nếu kiếp này quý vị trả thù, tổn hại tôi, do nghiệp lực thì kiếp sau tôi cũng sẽ trả thù lại. Như thế, kiếp này lại kiếp khác quấy rối lẫn nhau, đời đời kiếp kiếp đều trong phiền não, trong đau khổ, cũng chẳng ai được tốt hơn, đây thực sự là một phương pháp dại dột cùng nhau hủy diệt. Đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo, không có hồi kết, cũng chẳng ai được lợi gì. Dù cho quý vị trả thù tôi rồi, hiện nay quý vị đang ở cõi nào, vẫn là không thể thoát khỏi, đây mới là điều đau khổ nhất. Không thể mê lầm thêm nữa, nhất định phải tìm một con đường thênh thang sáng sủa để có thể lìa khổ được vui.
Bây giờ tôi thấu hiểu: tất cả chúng sanh là cha mẹ vô lượng kiếp của mình, có vô biên ân đức với chúng ta. Tất cả chúng sanh đều có phật tánh, nhất định đều có thể trở thành A Di Đà Phật, lại nhất thể với chính mình. Mỗi một sát na của mạng sống từ nay đến tận vị lai, đối với mỗi một chúng sanh trong hư không pháp giới, chứa chan lòng biết ơn, hiếu kính, từ ái, chân thành, cung kính, hổ thẹn, khiêm tốn, tin sâu nhân quả, đoạn ác tu thiện, giới sát ăn chay, phóng sanh niệm phật, biết đủ thường vui, từ nhu hòa thuận, khoan hồng đại lượng, thiện giải bao dung. Tôi sẽ đời đời kiếp kiếp tha thứ. Tha thứ chúng sanh quá khứ đã từng giết hại, tổn hại tôi; tha thứ chúng sanh hiện tại giết hại, tổn hại tôi; tha thứ chúng sanh vị lai giết hại, tổn hại tôi.
Mà lòng sân hận, trả thù không chịu tha thứ này, sẽ khiến quý vị vô lượng kiếp phải chịu mọi hình phạt đau khổ núi dao rừng gươm trong địa ngục, không có cùng tận. Không bao giờ có ngày thoát khỏi đau khổ tột độ, ngoài sức tưởng tượng chết thê thảm bảy mươi ngàn lần trong một giây. Tôi thật lòng mong muốn quý vị sẽ không bao giờ bị chịu thêm một chút khổ nào nữa. Đức Phật nói với chúng ta rằng: tất cả hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc, vạn pháp giai không, chuyển biến của nhân quả bất không, tương tục bất không, tuần hoàn bất không. (người dịch ghi chú: tại vì chưa thấu hiểu “diệu lý” của “KHÔNG”, cho nên không dám dịch nghĩa, chỉ tạm dịch đoạn này ra “âm Hán Việt”, xin quý vị đồng tử lượng thứ.)
Quý vị Bồ Tát thông minh: quý vị cũng không muốn chỉ được hả dạ một lúc, mà khiến cho chính mình mãi mãi đắm chìm trong bể khổ. Trong kiếp này tôi may mắn nghe được Phật pháp, thân tâm chưa từng có được niềm vui như thế này, thì giống như hạn hán lâu ngày gặp được mưa cam lồ, thân tâm được tẩy rửa, thức tỉnh từ trong mê lầm. Nhất là đã được nghe pháp môn niệm Phật thù thắng nhất, một đời giải thoát thành Phật. Có một Thế Giới Cực Lạc ở Tây Phương, nơi đó không có địa ngục tam đồ, cũng không có lục đạo luân hồi sanh tử, không có thù oán, không có bất cứ đau khổ và khổ nạn nào, thậm chí cũng không nghe được có cái tên của khổ, nơi đó mới là quê nhà thực sự vĩnh hằng và yên ổn của chúng ta.
Có Bồ Tát nhân từ lương thiện nhất cùng chung với chúng ta, trong vòng tay từ bi ấm áp của A Di Đà Phật. Tiếng gió, tiếng mưa và tiếng nước đều diễn giải diệu pháp. Bạch Hạc, Khổng Tước, ngày đêm sáu thời, hót tiếng hòa nhã, tuyên dương diệu pháp. Cực Lạc Thế Giới thanh tịnh trang nghiêm, mênh mông bằng phẳng, vi diệu tráng lệ kỳ lạ, khắp nơi tươi sáng, thơm sạch vô cùng, mặt đất dát vàng, lầu gác bảy báu, giăng lưới trân châu, bốn mùa như xuân, ngày đêm sáu thời, trời rải diệu hoa, bầu trời vang nhạc. Hoa sen đang nở rộ trên bát công đức thủy trong hồ bảy báu, tỏa sáng tứ phía, chúng sanh mười phương niệm Phật được Phật tiếp dẫn, được sanh tại quốc độ này, đều là hoa sen hóa sanh.
Những người thượng thiện hội tụ một nơi. Hoặc thích thuyết pháp, hoặc thích nghe pháp, thảy đều vui mừng, không lo không sầu, không vướng không bận, thư thái tự nhiên, an nhàn tự tại, tường hòa an lạc, mượt mà mềm mại, trẻ mãi không già, thân quang minh sắc vàng, thọ mạng vô lượng, tự do vô ngại, đầy đủ thần thông, mang theo cung điện, quần áo thức ăn như ý, tràng phan bảo cái, hoa hương âm nhạc nghĩ đến liền có, trong nháy mắt cúng dường hết thảy tất cả chư Phật. Toàn bộ hư không pháp giới đều là không gian tự do tự tại qua lại của chúng ta, thanh hư chi thân, vô cực chi thể, phân thân vô số, phổ độ chúng sanh khắp pháp giới.
Cực Lạc thế giới có một vị A Di Đà Phật, đã phát bốn mươi tám đại nguyện. Ngài từ bi hỷ xả vô lượng, dù cho chúng ta đã tạo ngũ nghịch thập ác, Ngài không ruồng bỏ, lại càng không rời khỏi, Ngài chủ động, bình đẳng, vô điều kiện cứu độ.
Ngài giống như cha mẹ đang mong mỏi đứa con duy nhất, luôn luôn trông mong chúng ta trở về. Đến nay đã mười kiếp, ngày lại qua ngày trông mong. Thả tay tiếp dẫn, năm lại qua năm chờ đợi chúng ta – đứa con chịu khổ trong tam giới, kẻ lang thang trong lục đạo. Ngài thề chỉ cần chúng ta sám hối nghiệp chướng, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, Ngài chắc chắn sẽ tiếp dẫn chúng ta vãng sanh Cực Lạc Thế Giới, mãi mãi thoát khỏi đau khổ sanh tử luân hồi, mãi mãi tận hưởng an lạc.
Bây giờ chúng tôi cũng giới thiệu phương pháp thù thắng này cho quý vị, hy vọng quý vị mỗi ngày có thể theo tôi lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Lúc tôi vắng mặt, quý vị tự mình cũng phải tinh tấn nghe kinh, niệm Phật. Tương lai chúng ta đều vãng sanh Tây Phương làm quyến thuộc bồ đề, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, trở lại Ta Bà độ tận chúng sanh, đây mới là biện pháp mà quý vị tốt, tôi tốt, mọi người đều tốt. Nếu quý vị đã thành tựu trước, lúc tôi mạng chung, xin quý vị theo Tây Phương Tam Thánh đến đón tiếp tôi. Nếu tôi thành tựu trước, tôi nhất định sẽ trở lại Ta Bà, cứu độ quý vị. Chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau, đốc thúc lẫn nhau, tinh tấn tu hành, cùng nhau chí thành niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, sớm ngày lìa khổ được vui, cùng trọn thành Phật đạo.
Hung thủ hại chúng ta đời đời kiếp kiếp trầm luân bể khổ lục đạo là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tham, sân, si, mạn, nghi trong nội tâm của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên căm ghét, bài trừ kẻ thù oan gia thực sự, đó là tham, sân, si của chính mình, mà không phải là con người, sự việc, đồ vật bên ngoài. Vì vậy, chúng ta đều là nạn nhân của tham, sân, si, chúng ta hãy cùng nhau sám hối trước Phật!
IV. Kinh sám hối, khấn nguyện số 3.
Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,
Bát-nhã ba-la-mật sáng ngời,
Bấy giờ Bồ-tát quán soi,
Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không.
Vượt tất cả các vòng khổ ách,
Hãy nghe này, Xá-lợi-phất ông!
Sắc nào có khác gì không,
Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng.
Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế,
Tánh chân không các pháp viên thành
Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,
Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì.
Trong chân không chẳng hề có sắc,
Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn.
Không nhãn thức đến không ý thức,
Không vô minh hoặc hết-vô-minh,
Không điều già chết chúng sanh,
Hết già, hết chết thực tình cũng không.
Không trí huệ cũng không chứng đắc,
Bởi có gì là chỗ đắc đâu.
Bấy lâu Bồ-tát dựa vào,
Trí ba-la-mật, thẳm sâu thực hành,
Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,
Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,
Xa lìa mộng tưởng đảo điên,
Niết-bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn.
Bát-nhã ấy rõ ràng trí tuệ,
Mà ba đời chư Phật nương qua,
Bồ-đề vô thượng chứng ra,
Nên xem Bát-nhã ba-la-mật là:
Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,
Lời chú thần rất mực quang minh,
Chú thần cao cả anh linh,
Là lời thần chú thật tình cao siêu.
Trừ dứt được mọi điều đau khổ,
Đúng như vầy muôn thuở không sai.
Ngài liền tuyên nói chú này,
Để người trì niệm sáng bày chơn tâm:
Ga-tê Ga-tê Pa-ra-ga-tê Pa-ra-san-ga-tê Bô-dhi Sva-ha. (3 lần)
V. Kinh sám hối, khấn nguyện số 4.
Con xin cung kính lễ lạy:
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Thập Phương Tam Thế Chư Phật, chư Bồ Tát, Tam Bảo khắp mười phương. (3 lần)
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Hộ Pháp chư Tôn Bồ Tát
Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ Tát Ma Ha Tát
Tri Ân
Hôm nay lại bước qua một ngày, con tự biết con đã được rất nhiều may mắn, con đã hưởng được tha lực từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Từ phụ A Di Đà Phật, Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát ban cho, và được chư Thần, chư vị độ trì mà con mới có được ngày hôm nay.
Con xin thành tâm thành kính quỳ nơi đây dâng lòng chí thành chí kính tri ân. (1 lạy)
Cầu An
Con cầu xin thập phương tam thế chư Phật, chư Bồ Tát, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, và chư vị từ bi gia hộ cho chúng con và khắp Pháp giới chúng sanh đồng được sự an lành, an lạc, tu học tu hành tinh tấn, đồng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc (1 lạy)
Cầu Siêu
Con xin thành tâm cầu siêu cho vong linh cửu huyền thất tổ, cha mẹ, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc, oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp.
Cho hương linh, vong linh tên:…
Con thành tâm cầu nguyện xin tha lực từ bi của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát cứu độ hương linh vong linh khắp pháp giới chúng sanh đồng được tiếp dẫn về nơi an lành an lạc, siêu sanh Tịnh Độ (1 lạy)
Sám Hối
Nay con xin chí thành sám hối mọi tội lỗi con đã lỡ gây tạo từ nhiều kiếp cho đến nay.
Những tội con gây tạo do bởi vô tình hay cố ý, gây hại, sát hại đến giới hữu tình hoặc vô tình, những tội con gây tạo do bởi Tham, Sân, Si, ngã mạn, vô minh che lấp.
Từ nay, mỗi ngày con xin kiểm soát hành động, tư tưởng mình để sám hối, sửa sai và xin nguyện giữ mình không tái phạm.
Hết thảy các tội, con xin chí thành quỳ nơi đây dâng lòng sám hối. Xin chư Phật, chư Bồ Tát khắp mười phương, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Đại từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, chư vị chứng minh cho lòng thành của con. (1 lạy)
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy hoặc hơn)
Hồi Hướng/Phát Nguyện
Sám hối rồi, nay con xin nguyện dâng lòng thành kính tri ân, quy y Tam Bảo, hướng tâm tu học, tu hành, sửa chữa tâm tánh của mình. Con Cầu xin Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, từ bi gia hộ cho con và khắp pháp giới chúng sanh đồng được tu học, tu hành viên mãn, đồng được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc (3 lạy)
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lạy)
VI. Các cách khấn nguyện, sám hối tại nhà
Về thời gian tụng: Kinh sám hối nên được đọc vào mỗi buổi sáng, sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, người khấn có thể khấn bất cứ lúc nào trong ngày hoặc khấn thầm.
Về cách tụng: Khi đọc kinh sám hối, quan trọng nhất là có tâm trí thành kính và khi lạy thì cần thực hiện chậm rãi. Với phần sám hối, có thể lạy từ 3- 108 lạy/ ngày, tùy vào đó là ngày 15 hay 30. Sau đó, cắm hương và quỳ đọc kinh sám hối.
VII. Cần lưu ý gì khi đọc kinh sám hối hằng ngày?
Những lưu ý cần thiết khi đọc kinh sám hối hằng ngày
Trong sám hối hằng ngày có phần sám hối riêng nên khi đó, người khấn cần kể hết các tội mình đã làm, cầu nguyện các chư Phật, Bồ Tát chứng minh cho sự sám hối của bản thân.
Bên cạnh đó, khi đọc kinh sám hối, điều quan trọng nhất là lòng thành, nên khi đọc người khấn cần có tâm hướng thiện, quyết tâm sửa tánh, sửa tâm, giữ tâm ý thanh tịnh để tiêu trừ nghiệp tội.
Ngoài ra, người khấn có thể tìm hiểu các bài tụng kinh Sám hối Hồng Danh để được chư Phật, Bồ Tát độ trì; nghe Chú Đại Bi mỗi ngày để tiêu giải nạn.
Trên đây là những bài kinh khấn sám hối chuẩn nhất được Vật phẩm Phật giáo cung cấp cho bạn. Mong rằng bằng việc đọc kinh sám hối hằng ngày sẽ giúp bạn tìm được sự an yên trong tâm hồn mỗi ngày.
Nam mô A Di Đà Phật!