Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là vị hoàng đế anh minh, có công đóng góp cho sự phát triển bền vững của nước Đại Việt, được coi là 1 trong 8 vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng được biết đến là người đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang bản sắc Phật giáo Việt Nam và tinh thần nhập thế không rời xa đời và không ở ngoài đời.
Tượng vua Trần Nhân Tông tại núi Yên Tử
I. Về tiểu sử của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông có tên thật là Trần Khâm, sinh vào ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ ( tức ngày 7 tháng 12 năm 1258). Ông là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Khâm sinh ra đã “sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng” nên vua cha và ông nội là Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã gọi ông là Kim Tiên đồng tử. Bên vai trái của ông còn có một nốt ruồi đen lớn như hạt đậu, người xem tướng đã đoán rằng ông về sau sẽ là người làm nên việc lớn.
Tiểu sử Phật hoàng Trần Nhân Tông – 1 trong 8 vị anh hùng của dân tộc Việt Nam
Năm 1274, vua cha đã sách phong Trần Khâm làm Hoàng thái tử lúc ông 16 tuổi. Mặc dù ông đã từ chối ngôi vị nhưng vua cha không đồng ý. Sau đó, vua cha Trần Thánh Tông cũng lập trưởng nữ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Thái tử phi cho Trần Khâm.
Tuy ông có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc nhưng ông vẫn ưa thích sự tu hành. Ông học kỹ về tam giáo Phật – Lão – Nho, đồng thời đạt được trình độ cao về các lĩnh vực khác như: quân sự, lịch số học, thiên văn học và âm nhạc.
Vì có chí hướng xuất gia theo Phật nên ông đã nhiều lần xin nhường ngôi Thái tử cho em là Trần Đức Việp, nhưng không được sự chấp thuận của vua cha. Có lần nhân vào lúc đêm khuya, ông đã vượt thành đi vào núi Yên Tử. Sau khi Trần Thánh Tông và Hoàng hậu biết tin đã sai quân đi tìm và thỉnh cầu ông về kinh đô. Ông bèn miễn cưỡng quay về cung thành.
Cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên tại thế kỷ 13 của triều đại nhà Trần
Đến năm 1278, ông lên ngôi lấy niên hiệu là Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, trong buổi đầu lên ngôi thì nền độc lập của nước Đại Việt đang bị đe dọa bởi quân Nguyên – Mông ở phía Bắc.
Do đó, những khi quân Nguyên – Mông kéo đến, ông liền gác lại việc tu học Phật Pháp và dùng tài mưu lược sáng suốt cùng khả năng đoàn kết toàn nhân để đánh giặc. Kết quả, ông cùng các tướng lĩnh đã 2 lần đánh tan quân Nguyên – Mông và bảo vệ bờ cõi nước nhà.
Núi Yên Tử – nơi khai sinh dòng phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam
Sau 14 năm trị vì, đến năm 1293 ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên ( tức vua Trần Anh Tông sau này). Đến tháng 10 năm 1299, ông xuất gia tu hành ở núi Yên Tử ( thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay), lấy hiệu là Trúc Lâm đại đầu đà và trở thành thủy tổ của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Từ năm 1298, ông khoác áo nhà sư và đi thuyết pháp khắp nơi. Lý thuyết Phật giáo nhập thế do ông khởi xướng không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép tu hành khổ hạnh mà đề cao tính giáo dục lòng nhân đạo và luôn nhớ đến cội nguồn. Buổi giảng kinh của ông đã thu hút được hàng nghìn người đến nghe và tiếp thu tư tưởng.
Lễ hội đền thờ vua Trần Nhân Tông tại Thừa Thiên Huế
Năm 1308, Trần Nhân Tông qua đời tại am Ngọa Vân ở núi Yên Tử. Với những đóng góp to lớn của ông cho dân tộc và giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ, ông đã được người đời suy tôn là Phật hoàng Trần Nhân Tông ( tức vua Phật Việt Nam).
II. Về sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Sau khi rời bỏ ngai vàng, ông đã lên Yên Tử tu hành và khoác áo cà sa thuyết pháp khắp nơi, cùng với đó là khai sáng Thiền phái Trúc Lâm – một niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng cốt lõi là Phật giáo nhập thế. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khéo léo gắn kết giữa đạo và đời. hết lòng vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của người dân.
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm tinh thần dấn thân vào cuộc sống
Khi tu hành, ông đã khéo léo dung hợp giữa 3 dòng thiền là Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Tỳ – ni – đa – lưu – chi, bên cạnh đó ông còn kết hợp lẫn tư tưởng của Phật giáo – Nho giáo – Lão giáo. Chính vì điều này đã thể hiện được lòng từ bi với tinh thần cởi mở không phân biệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Ông đã dành tâm huyết cả đời cho tư tưởng đạo Phật Việt Nam cũng như bảo vệ nền độc lập nước nhà. Do đó, ông đã được ghi danh là 1 trong 8 vị anh hùng của Việt Nam, có công kiệt xuất trong cuộc đấu tranh và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
III. Chư Tăng chùa Ba Vàng tu hạnh đầu đà tiếp nối dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
Noi theo dấu chân của Sư Tổ Trần Nhân Tông, khi học Phật chúng ta cần học một cách đúng đắn là vận dụng được tinh thần nhập thế của Phật giáo làm lợi ích cho đời sống hiện tại của nhân loại, cũng như sống chan hòa với đời với thiên nhiên mà không xa rời thực tại.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử thăng trầm, chùa Ba Vàng – ngôi chùa cổ thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã và đang từng bước truyền tải giáo lý Phật pháp để làm lợi ích cho thế gian, nâng cao tinh thần đoàn kết và tương thân tương ái của mỗi con người Việt Nam.
Một góc chùa Ba Vàng – ngôi chùa linh thiêng và bề thế của tỉnh Quảng Ninh
Hiện nay, Tăng chúng chùa Ba Vàng vẫn kiên trì thực hành tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não với tâm nguyện thứ nhất là độ mình, thứ hai là độ chúng sinh để giữ gìn Phật pháp trường tồn lâu dài ở thế gian.
Trong đó, Chư Tăng ngày đêm tu tập trong rừng và thực hành ăn ngày một bữa. Vì khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã từng ăn ngày một bữa, thường thực hành thiền ở trong rừng, ngủ dưới gốc cây, với môi trường rừng yên tĩnh như vậy sẽ rất tốt cho hành giả tu tập.
IV. Kỷ niệm 765 năm ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông
Như vậy, việc dân tộc Việt Nam nối tiếp tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính là giữ gìn mạng mạch của Phật pháp. Bởi tinh thần của thiền Trúc Lâm Yên Tử là “Hòa quang đồng trần” là đi vào thực tại, nhập cuộc với đời sống trần tục và làm cho cuộc đời ngày càng tươi sáng hơn mà không phải rũ bỏ tất cả hay xa rời hiện tại.
Do đó, tùy theo khả năng của mỗi người mà chúng ta sẽ thể hiện thái độ sống của mình ở giữa đời. Vì chỉ khi cắm rễ sâu ở trong cuộc đời, ta mới tìm thấy con đường giải thoát phiền não và nhập Niết Bàn ngay trong hiện tại mà không cần phải đi đến cõi tiếp theo mới tìm thấy.
Chùa Ba Vàng thực hành hạnh tri ân ngày sinh của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Đã 715 năm kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, tuy nhiên những giá trị mà Phật hoàng đã để lại cho nhân thế vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Có thể nói, Phật hoàng Trần Nhân Tông không những là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là vị anh hùng vĩ đại để nhân loại đời đời học tập. Vật phẩm Phật Giáo hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp tu hành của vị hoàng đế này.
Nam Mô A Di Đà Phật!
- Hoà thượng Thích Quảng Đức và trái tim không thể thiêu rụi
- Nguồn gốc và ý nghĩa của tràng hạt? Vì sao người niệm Phật, trì chú nên dùng tràng hạt?
- Làm thế nào để báo hiếu cha mẹ một cách trọn vẹn nhất?
- Lòng trắc ẩn là gì? Tại sao cần phải có lòng trắc ẩn trong cuộc sống?
- Nhân chi sơ tính bản thiện có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?