Nghiệp quả là khái niệm không còn xa lạ với nhiều người, có thể hiểu đơn giản là kết quả mà bản thân nhận được khi làm một việc nào đó. Nghiệp bao gồm Nghiệp Công đức, Nghiệp Phước đức Dương, Nghiệp Phước đức Âm và Nghiệp Ác đức. Bài viết hôm nay của Vật phẩm Phật giáo sẽ cùng bạn tìm hiểu về nghiệp quả công đức và ý nghĩa của tạo dựng nghiệp quả công đức.
Nghiệp Công đức là gì? Ý nghĩa của tạo dựng nghiệp quả Công đức
I. Nghiệp Công đức là gì?
Trái đất Luân hồi sanh ra Nhân quả và con người chính là trung tâm tạo ra Nhân để hưởng hoặc trả quả. “Nhân quả” có nghĩa như sau:
- Nhân hay còn gọi là Nghiệp, bao gồm: Nghiệp Công đức, Nghiệp Phước đức Dương, Nghiệp Phước đức Âm và Nghiệp Ác đức.
- Quả là thành quả mà Thân người đi hưởng hoặc trả quả đã tạo ra.
Mỗi việc con người làm ở Trái đất này đều là tạo ra Nhân hay Nghiệp. Khi con người đã tạo ra Nhân thì phải đi hưởng hoặc trả quả ở một trong những nơi sau:
– Người tạo ra Nghiệp Công đức thì sẽ được trở về Phật giới và hình thành ra một Kim Thân Phật. Đây được gọi là quả vị Phật và hưởng Thanh tịnh nơi Phật giới.
– Người tạo ra Nghiệp Phước đức Dương thì sẽ được hưởng ở một trong những cõi Trời, sanh ra là Thân Trời và hưởng Phước đức Dương ở cõi Trời. Đây được gọi là hưởng thành quả ở cõi Trời.
– Người tạo ra Nghiệp Phước đức Âm thì sẽ được hưởng Phước đức Âm ở 1 trong 2 nơi sau:
- Vào cõi Thần, sanh ra là Thân Thần và được hưởng Phước đức Âm ở cõi Thần.
- Trở lại thế giới loài người, sanh ra là Thân người và được hưởng giàu sang nơi thế giới loài người.
– Tạo ra Nghiệp Ác đức, thì phải đi trả ở 1 trong 3 nơi như sau:
- Vào loài Súc Sanh, sanh ra là Thân Súc Sanh và phải trả Ác đức.
- Vào loài Thực Vật, sanh ra là Thân Thực Vật và phải trả Ác đức.
- Vào loài Địa Ngục, sanh ra là Thân Địa Ngục và phải trả Ác đức.
Xem thêm các bài viết khác về kiến thức phật giáo:
- Ngồi thiền là gì? 12 nguyên tắc cách ngồi thiền đúng giúp tĩnh tâm
- Tây Phương Cực Lạc và góc nhìn của khoa học và Phật giáo
II. Phân biệt Nghiệp Công đức, Nghiệp Phước đức và Nghiệp Ác đức
Con người sống trên Trái đất là trung tâm tạo ra Nhân và sẽ phải đi hưởng hoặc đi trả quả. Thân người được cấu tạo bởi Tứ đại: Đất – Nước – Gió – Lửa. 16 tánh người được cấu tạo bằng điện từ Âm Dương và hoạt động dựa trên nguyên lý của điện từ Âm Dương là phát ra và thu lại.
Nguyên lý này hoạt động khá giống với máy chụp hình, đầu tiên sẽ nhắm vào một khu vực hoặc một hình ảnh nào đó, sau đó, chụp hình ảnh đã được chọn và thu vào bộ lưu trữ. Tương tự, Thân và tánh của con người sẽ hướng về một người hoặc nhiều người để tạo Nghiệp. Tánh Tưởng, tánh Tham, tánh Hành và Thân hành có chức năng phát và thu Nghiệp, phát ra Nghiệp gì thì sẽ thu vào Nghiệp đó. Sau đó, Nghiệp sẽ được lưu trữ vào Vỏ bọc Tánh Phật hoặc một trong những biệt kho trong Kho tổng Nghiệp.
1. Nghiệp Công đức
Khi một người giúp những người khác Giác ngộ và Giải thoát, tức là hiểu biết từ vô hình đến hữu hình một cách chân thật và sáng suốt để Giải thoát thì người này sẽ tạo và thu được Nghiệp Công đức. Khi giúp người khác sáng nhiều thì thu lại nhiều Nghiệp Công đức và ngược lại. Nghiệp Công đức không âm, không dương nhưng lại rất sáng. Nghiệp này được lưu vào Vỏ bọc Tánh Phật, nằm ở giữa của Kho tổng Nghiệp và được giữ bởi điện từ Quang của Tánh Phật.
2. Nghiệp Phước đức
Người tạo và thu được Nghiệp Phước đức là người giúp những người khác an vui, vui sướng và bớt khổ. Nghiệp Phước đức Dương và Nghiệp Phước đức Âm được cấu tạo và duy trì bằng điện từ Âm Dương của tánh Người. Nghiệp này được lưu trữ ở Biệt kho phía trên Vỏ bọc Tánh Phật.
Người tạo và thu được Nghiệp Phước đức là người giúp những người khác an vui, vui sướng và bớt khổ
3. Nghiệp Ác đức
Nghiệp này được tạo ra khi con người thực hiện những việc làm như:
- Gieo rắc mê tín dị đoan khiến cho người khác tối tăm và mê mờ.
- Lừa gạt những người khác.
- Giết hại người khác.
- Giết hại súc sanh.
- …
III. Ý nghĩa của tạo dựng nghiệp quả Công đức
Về mặt ngôn ngữ, “công đức” được dịch nghĩa từ chữ “punna” trong tiếng Pali. “Punna” mang nghĩa là sự thanh tịnh và làm cho trong sạch. Như vậy, có thể hiểu làm việc công đức là việc làm sạch đi những bản chất tham, sân, si ra khỏi tâm.
Đức Phật đã dạy cho con người tạo công đức bằng việc cho đi, giúp đỡ (Bố thí), sống và làm việc theo đạo đức (Giới hạnh), tu tập phát triển tâm (Thiền tập). Dựa theo lời này, chúng ta sẽ biết được cách làm và tạo ra công đức bằng nhiều hành động thiết thực khác nhau như:
- San sẻ, giúp đỡ và tham gia vào những việc làm từ thiện, nhường cơm sẻ áo cho cha mẹ, anh em và những người đồng bào khác. Nhường chỗ ngồi hoặc vị trí xếp hàng cho người lớn tuổi, người yếu,…
- Tha mạng, phóng sanh hoặc cứu sống những loại sinh vật, cây cối,…
- Làm những việc lương thiện, không trái luân thường đạo lý và làm hại người khác như không gây đau khổ cho người khác, không giết chóc sinh vật, không tàn phá môi trường,…
- Tu dưỡng bản thân, làm cho tâm an tĩnh, thanh tịnh và không nhiễm điều bất thiện, tham, sân, si,..
Việc làm công đức có thành hay không tùy thuộc vào tâm ý của mỗi người trước, trong và sau khi làm những hành động công đức. Đó là khi việc làm công đức xuất phát từ tâm ý thiện lành, muốn giúp người và được thực hiện với tấm lòng từ bi. Đồng thời, sau khi làm công đức, người thực hiện cảm thấy lòng tâm mình thanh tịnh, trong sạch và hướng thiện hơn. Tấm lòng hoan hỷ, an lạc và loại bỏ được những bản tính xấu như ích kỷ, hèn nhát, lười biếng, ghét bỏ,…
Việc làm công đức đúng đắn sẽ giúp phát huy những tâm thiện và đồng thời giúp đối trị và loại bỏ những tâm bất thiện.
IV. Những hành động công đức hay Punna-kiriya
Hành động, thân và lời nói đều xuất phát từ tâm và do tâm điều khiển. Công đức, phước đức hay punna rửa sạch và làm trong sạch tâm. Những căn thiện tạo nên điều tốt lành và những căn bất thiện tạo ra đau khổ, từ đó, có thể suy ra được chính căn thiện là nguyên nhân và gốc rễ để tạo ra công đức.
Hành động công đức do ý chí, do tâm chỉ đạo, là các tâm “Hành” được đi kèm bởi 3 căn thiện, đó là Không Tham, Không Sân, Không Si.
Theo “Vi Diệu Pháp” tạng, có 8 loại Thức thiện tương ứng với việc tái sinh về cõi Dục Giới. 4 trong 8 Thức này chỉ chứa có 2 căn thiện là Không Tham & Không Sân, còn 4 loại Thức còn lại thì chứa đầy đủ 3 căn thiện là Không Tham, Không Sân & Không Si (Trí Tuệ).
8 loại Thức thiện tương ứng với việc tái sinh về cõi Dục Giới
Mỗi nhóm được phân ra thành nhiều loại tùy thuộc vào chúng được trợ duyên hay không và tùy thuộc vào chúng có đi kèm với tâm hỉ (hoan hỉ, vui vẻ) hay tâm xả (vô tư, thản nhiên). Về mặt ý nghĩa tột cùng, 8 loại Thức thiện này bao gồm tất cả các hành động công đức hay tất cả Nghiệp thiện tương ứng với cõi Dục Giới.
Dưới đây là danh sách 8 loại Thức thiện:
- Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, được trợ duyên, cùng trí tuệ
- Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, được trợ duyên, không trí tuệ.
- Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, được trợ duyên, không trí tuệ.
- Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, không được trợ duyên, cùng trí tuệ.
- Thức thiện có tâm Hỉ đi kèm, không được trợ duyên, không trí tuệ.
- Thức thiện có tâm Xả đi kèm, được trợ duyên, cùng trí tuệ
- Thức thiện có tâm Xả đi kèm, được trợ duyên, không trí tuệ.
- Thức thiện có tâm Xả đi kèm, không được trợ duyên, cùng trí tuệ.
V. Mười căn bản của những hành động Công đức hay Dasa Punna- kiriya Vatthu
10 căn bản của hành động công đức là cách để thực hiện thành công việc làm công đức để từ đó tạo ra những nghiệp quả tốt lành. Mười căn bản này bao gồm:
- Dana (Bố thí): Việc bố thí, cho tặng, sự rộng lượng hay hào hiệp.
- Sila (Giới hạnh): Việc tuân giữ giới hạnh đạo đức như Năm Giới căn bản, Tám Giới hay Mười Giới Thập Thiện…
- Bhavana (Thiền): Thiền hành, bao gồm cả thiền định và thiền quán minh sát.
- Apacayana (Tôn kính): Việc tôn kính người lớn tuổi và các bậc thánh nhân.
- Veyyavacca (Phục vụ): Sốt sắng phục vụ và giúp đỡ thực hiện những việc thiện.
- Pattidana (Hồi hướng công đức): Việc chia sẻ và hồi hướng công đức.
- Pattanumodana (Tùy hỷ công đức ): Sự hoan hỉ, vui mừng cho công đức của người khác.
- Dhamma-savana (Nghe học): nghe học Giáo Pháp.
- Dhamma-desana (Truyền dạy): Truyền, dạy Giáo Pháp.
- Ditthijukamma (Chánh tín): có niềm tin một cách ngay thẳng và chính trực, được vào chánh kiến.
Mười căn bản của hành động công đức được phân thành 3 nhóm khác nhau:
- Dana – Nhóm Bố thí, đại diện cho phẩm chất Không tham, bao gồm: Bố thí, Hồi hướng công đức & Tùy hỷ công đức.
- Sila – Nhóm Giới Hạnh, đại diện cho phẩm chất Không sân, bao gồm: Giới hạnh, Tôn kính & Phục vụ.
- Bhavana – Nhóm Thiền hành, đại diện cho phẩm chất Không si, bao gồm: Thiền, Nghe học Giáo Pháp, Truyền Dạy Giáo Pháp & Củng Cố Chánh Kiến dựa vào chánh kiến.
Mười căn bản này thường được thực hiện cùng tám Thực thiện làm khởi sinh tạo ra những nghiệp thiện, tương ứng cõi trời Dục Giới.
10 căn bản của hành động công đức là cách để thực hiện thành công việc làm công đức để từ đó tạo ra những nghiệp quả tốt lành
VI. Các loại nghiệp thiện – Kusala Kamma
1. Nghiệp Thiện 2-căn và nghiệp Thiện 3-căn
Nếu một người thực hiện việc thiện với kiến thức, hiểu biết về Nghiệp quả thì đó là những thức thiện có đi kèm cùng trí tuệ hiểu biết. Tâm ý hay tâm hành sẽ được đi kèm bởi 3 căn thiện: Không Tham, Không Sân, Không Si tạo nên Nghiệp thiện 3-căn (tihetuka).
Mặt khác, nếu một người thực hiện việc thiện mà không có kiến thức, hiểu biết về Nghiệp quả thì đó là những thức thiện có không đi kèm cùng trí tuệ hiểu biết. Do đó, tâm ý hay tâm hành sẽ không được đi kèm với căn Không Si, mà chỉ có 2 căn là Không Tham và Không Sân tạo ra Nghiệp thiện 2-căn (dvihetuka).
2. Nghiệp Thiện Ưu việt và nghiệp Thiện thấp kém
Tâm ý hay ý định trước và sau khi hành động công đức rất quan trọng. Nếu một người trước khi thực hiện công đức, tâm ý về đạo được bao quanh bởi tâm ý thiện và sau khi làm việc công đức, người đó luôn cảm thấy vui mừng, hoan hỉ vì công đức đó thì sẽ tạo ra nghiệp Thiện Ưu việt.
Ngược lại, người trước và sau khi làm việc công đức luôn cảm lười biếng, ngập ngừng, ghen tỵ hoặc bủn xỉn, ví dụ như cảm thấy tiếc nuối khi bố thí, thì đạo đức sẽ bị bao quanh bởi những tâm ý bất thiện. Nghiệp thiện được tạo ra như vậy gọi là nghiệp Thiện thấp kém (omaka).
Như vậy, nghiệp thiện sẽ bao gồm 4 loại:
- Nghiệp Thiện Ưu việt 3-căn: Đây là loại nghiệp thiện tốt nhất và ưu việt nhất. Nếu nghiệp này trợ duyên cho Thức Tái sinh thì người này sẽ được tái sinh với 3 căn thiện (tihetuka) và vào cảnh giới phúc lành làm người hoặc làm thiên thần (devas), đồng thời, sẽ sở hữu khả năng chứng đạt những tầng Thiền Định (Jhana) và Thức con đường Đạo (Magga).
- Nghiệp Thiện Thấp kém 3-căn và Nghiệp Thiện Ưu Việt 2-căn: Hai loại nghiệp này gần như tương đương nhau. Nếu nghiệp này được trợ duyện cho Thức Tái sinh, người này sẽ được tái sinh với 2 căn thiện (dvihetuka) vào cảnh giới phúc lành để làm người hay làm thiên thần (devas) nhưng không sở hữu được khả năng chứng đạt các tầng Thiền Định (Jhana) và Thức con đường đạo (Magga).
- Nghiệp Thiện Thấp kém 2-căn: Đây là loại nghiệp thiện thấp kém nhất. Nếu nghiệp này trợ duyên cho Thức Tái Sinh, người này cũng sẽ được tái sinh vào cảnh giới phúc lành (sugati). Tuy nhiên, người này sẽ không có được căn thiện (ahetuka) và sẽ trở thành người tật nguyền, dị dạng hoặc làm thần bị giáng xuống làm địa thần, cõi thấp kém hơn là cõi trời Tứ Đại Thiên Vương hoặc có thể làm những quỷ thần dị dạng.
Có 4 loại nghiệp thiện bao gồm Nghiệp Thiện Ưu việt 3-căn, Nghiệp Thiện Thấp kém 3-căn, Nghiệp Thiện Ưu Việt 2-căn và Nghiệp Thiện Thấp kém 2-căn
Trên đây là thông tin về Nghiệp quả công đức và ý nghĩa của việc tạo dựng công đức, cũng như cách để thực hiện thành công hành động công đức. Vật phẩm Phật giáo hy vọng rằng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích giúp bạn tạo dựng thật nhiều nghiệp công đức.
Nam Mô A Di Đà Phật.
- Hướng dẫn cách thờ tượng Phật Bà Quan Âm tại nhà đón may mắn và tài lộc
- Ghé thăm chùa Từ Hiếu Huế – Ngôi chùa nổi tiếng và cổ kính xứ cố đô
- Phật hoàng Trần Nhân Tông: tiểu sử và sự nghiệp tu hành
- Bài vị gia tiên: Ý nghĩa của bài vị và cách lập bài vị đúng tinh thần Phật giáo
- An nhiên là gì? Cuộc sống an nhiên mang lại những ý nghĩa gì?