Báo hiếu là cách để những người con thể hiện tình cảm, lòng hiếu kính, biết ơn đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ dành cho mình. Việc báo hiếu cho cha mẹ có thể được thực hiện thông qua những hoạt động quan tâm, chăm sóc hàng ngày hay dành tặng những món quà ý nghĩa, có giá trị hay hỗ trợ kinh tế để giúp cuộc sống cha mẹ trở nên đầy đủ hơn.
Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Vật phẩm Phật giáo để tìm hiểu về cách để báo hiếu cho cha mẹ một cách trọn vẹn nhất.
Vật phẩm Phật giáo chia sẻ những cách báo hiếu cha mẹ ý nghĩa, trọn vẹn nhất
I. Báo hiếu đối với cha mẹ hiện đời
Trong quan niệm Phật giáo, ân nghĩa cha mẹ chính là ân nghĩa đầu đời, là suối nguồn của chữ “hiếu”, chữ “nghĩa” của mỗi người. Do đó, một người yêu thương gia đình, báo hiếu chu toàn cho cha mẹ thì mới có thể là một người tốt.
1. Phương diện vật chất
Thứ nhất, hãy thể hiện tình cảm, sự hiếu thuận của bản thân bằng cách hỗ trợ về kinh tế để cha mẹ có cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc hơn. Theo đó, khi đã trưởng thành và có năng lực kiếm tiền, bạn nên chủ động đỡ đần bố mẹ để đền đáp công ơn sinh thành.
Thứ hai, trong cuộc sống hàng ngày luôn dành thời gian để quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ đau yếu.
2. Phương diện tinh thần
Hướng cha mẹ đến những điều thiện lành, giác ngộ Tam bảo là cách báo hiếu đúng đắn
Thứ nhất, nếu hiện tại cha mẹ không có đức tin hoặc tin theo ngoại đạo, tà đạo thì nên tạo mọi nhân duyên để cha mẹ có đức tin mà tốt nhất là giác ngộ Tam bảo. Tiếp đến, bạn hãy hướng dẫn cha mẹ phát tâm quy y Tam bảo để mang lại phúc lành lớn lao.
Phật giáo cho rằng, một Phật tử hiểu đạo, thương yêu cha mẹ thì nên giúp cha mẹ giác ngộ Tam bảo. Bởi lẽ, giáo lý Phật giáo sẽ giúp cha mẹ đứng vững và tự bảo vệ được bản thân
Thứ hai, trong trường hợp cha mẹ không có nhiều thiện nghiện, làm việc ác nghiệt như nghề sát sinh, buôn bán không có tâm thì nên khuyên cha mẹ bỏ nghề đó. Sau đó, hãy hướng dẫn cha mẹ tu tập thiện Pháp và thọ trì giới Pháp của Phật nhằm tăng trưởng thiện nghiệp.
Thứ ba, nếu cha mẹ có tính tham lam thì nên giúp cha mẹ thay đổi suy nghĩ, làm nhiều việc tốt hơn để tích lũy điều thiện.
Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách gửi tiền để cha mẹ mang đi cúng dường chư Tăng. Việc làm này không chỉ tạo phúc đức lớn mà còn giúp cha mẹ dần dần hình thành và phát triển tâm thiện, từ đó cuộc sống trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Ngược lại, người tham lam, ích kỷ thường có đời sống vật chất và tinh thần không tốt.
Thứ tư, nếu cha mẹ không tin vào luật nhân quả thì nên tạo cơ hội để cha mẹ biết đến giáo lý Phật giáo để hiểu hơn về “nhân – quả” cuộc đời.
II. Báo hiếu đối với cha mẹ đã khuất
Theo góc nhìn Phật giáo, mỗi người không chỉ có cha mẹ đời này, mà còn có cha mẹ của nhiều kiếp trước nữa. Do đó, Phật dạy rằng phải báo hiếu cho trọn, kể cả cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp.
1. Cúng dường và hồi hướng
Đức Phật dạy rằng đối với cha mẹ đã quá vãng, cách để chúng ta báo hiếu tốt nhất là phải làm nhiều phước thiện để hồi hướng công đức phước thiện đó cho cha mẹ. Trong đó, kinh Đức Phật dạy trong những việc phước thiện thì cúng dường Tam Bảo là việc đặc biệt nhất, mang lại phúc lớn. Khi cúng dường Tam Bảo, bạn sẽ mang lại nhiều phúc đức và giúp cha mẹ kết duyên với Tam Bảo.
Trên thực tế, có nhiều người cúng lễ không đúng Pháp, dù cho mâm cao cỗ đầy song các vong linh không thọ hưởng được. Tuy nhiên, khi bạn cúng dường này đến Tam Bảo cùng chúng Tăng thì phước đức ấy chắc chắn sẽ hồi hướng cho thân quyến, từ đó mang lại lợi ích cho cả người cúng và người nhận sự cúng dường.
Đức Phật đã dạy trong kinh Địa Tạng rằng: Cúng dường cho người quá cố thì người hiện đời sẽ được phước báu sáu phần, còn người quá cố được hưởng phước báu một phần, nhưng một phần ấy đối với họ là vô cùng lớn lao và cứu độ họ rất nhiều. Đây là nghĩa vụ của người còn sống đối với người đã mất. Đặc biệt, trong mùa lễ Vu lan báo hiếu, nếu có lễ Cầu siêu phả độ gia tiên tiền tổ thì mang lại lợi ích cho kẻ còn, người mất.
Đức Phật dạy rằng: Chúng sinh ở cõi đời này khi thân hoại mạng chung, bỏ thân cõi người, đọa làm ngạ quỷ nhiều như đất ở đại địa. Những người đủ phước duyên tái sinh trở lại làm người ít như đất ở móng tay. Cho nên, cha mẹ chúng ta lang thang trong kiếp ngạ quỷ rất nhiều và họ rất mong ngóng đến cứu giúp họ.
2. Đại báo hiếu
Trong quan niệm của Phật giáo, chữ “hiếu” gồm tiểu hiếu (hiếu nhỏ) và đại hiếu (hiếu lớn)
Chữ “hiếu” trong đạo Phật có thể được hiểu là tiểu hiếu và đại hiếu.
Tiểu hiếu tức là hiếu của thế gian, của con người khi ở tại gia. Trong đó, hiếu với cha mẹ thì cần phụng dưỡng, hỗ trợ cha mẹ “cơm no áo ấm”, chăm sóc khi cha mẹ ốm đau; làm điều thiện lành để cha mẹ phấn khởi, vui vẻ. Theo quan niệm con người, đó chính là hiếu. Tuy nhiên, với đạo Phật thì đây chỉ là tiểu hiếu (hiếu nhỏ).
Đại hiếu (hiếu lớn) thì phải làm sao độ được cha mẹ thoát sinh tử. Theo đó, hiếu thực chất là người con phải giúp cha mẹ quay về nẻo chính, tu tập chánh đạo, quy y Tam Bảo, đắc được giác ngộ giải thoát. Đây mới chính là hiếu lớn, là trọn vẹn chữ “hiếu”.
Thầy Thích Trúc Thái Minh từng nói rằng: “Trách nhiệm của người Phật tử tại gia chúng ta là phải tự mình bồi đắp hiếu tâm cho thật dày. Không những vậy, chính chúng ta phải lan tỏa hiếu đạo đến với tất cả mọi người, trước hết là đến với con cháu, người thân của chúng ta. Vì hiếu là gốc của đạo, “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”, mười phương chư Phật đều tu tập từ hiếu tâm này mà thành Phật. Chúng ta là Phật tử thì phải lo vun bồi cái gốc này; gốc có sâu, có chắc thì cây mới bền, mới cho hoa tươi, quả tốt”.
Trên đây là những chia sẻ của Vật phẩm Phật giáo về cách báo hiếu cha mẹ ý nghĩa nhất. Hy vọng, thông qua bài viết của chúng tôi, bạn đã hiểu rõ hơn quan niệm của Phật giáo về vấn đề hiếu kính cha mẹ. Từ đó, giúp mỗi người con đều có thể báo hiếu cha mẹ đúng cách và trọn vẹn nhất.
Nam Mô A Di Đà Phật.