Kinh Vu Lan Báo Hiếu bàn về đạo hiếu thảo của con người trong Phật giáo, kèm theo nhiều ý nghĩa sâu xa về đức tính độ lượng, bao dung và tinh thần vô vị lợi. Trong bài viết sau, hãy cùng Vật phẩm Phật giáo tìm hiểu chi tiết nội dung và cách tụng niệm Kinh Vu Lan.
Kinh Vu Lan Báo Hiếu mang ý nghĩa và nội dung gì?
1. Giới thiệu Kinh Vu Lan
Kinh Vu Lan Báo Hiếu là bộ sách gồm có 3 phần, với nhiều bài sám nguyện, sẽ được tụng niệm suốt mùa Vu Lan, tức tháng bảy Âm Lịch hằng năm. Các phần trong bộ kinh Vu Lan là Phần dẫn nhập, phần Chánh kinh và phần hồi hướng. Bạn có thể tụng kinh hằng ngày để tưởng nhớ cha mẹ đã mất hoặc hồi hướng công đức cho cha mẹ còn sống. Qua đó thắp sáng truyền thống hiếu đạo cho con cháu.
Kinh Vu Lan có tính ứng dụng khá cao, bạn có thể đọc kinh vào nhiều dịp lớn như Mừng sinh nhật cha mẹ, chúc thọ ông bà hoặc lễ kỳ siêu cho cha mẹ quá cố và cửu huyền thất tổ.
Có nhiều thắc mắc về thời điểm xuất hiện của Kinh Vu Lan, mặc dù không rõ niên đại chính xác, nhưng có thể ước đoán vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Bài kinh gắn liền với văn hóa Trung Quốc, song nó vẫn giữ nguyên giá trị giáo dục đạo hiếu và đạo đức làm người. Tụng Kinh Vu Lan Báo Hiếu là cách tiếp tục nuôi dưỡng tấm lòng biết ơn và đền ơn đối với các đấng sinh thành.
Bộ Kinh Vu Lan được lưu truyền từ bao đời nay
2. Ý nghĩa Kinh Vu Lan
Vu Lan có ý nghĩa đầy đủ là Vu Lan Bồn, đây là cụm từ dịch âm của người Trung Quốc từ chữ Phạn “Ullambana”. Cũng có một từ dịch âm khác đó là Ô Lam Ba Na, tuy nhiên giới Phật giáo không sử dụng từ này, vì thế nó không được sử dụng rộng rãi như Vu Lan.
Theo Cửu Tổ Trí Húc Đại Sư, Ullambana có nghĩa là “giải đảo huyền” hay “cứu thống khổ”. Trong đó “đảo” có nghĩa là ngược, chúi đầu xuống đất, thể hiện một tư thế đau đớn tột độ của hình phạt; “huyền” có nghĩa là treo. Suy ra, “giải đảo huyền” tức là gỡ bỏ các hình phạt treo ngược của nghiệp xấu, giúp chúng sanh thoát khỏi nỗi đau khổ cùng cực.
Trong Kinh Vu Lan, sự khốn khổ nhất của chúng sinh nằm ở cảnh giới quỷ đói. Việc gỡ bỏ hình phạt treo ngược chính là tháo gỡ nỗi khổ bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.
Ý nghĩa Kinh Vu Lan chính là giải thoát con người ra khỏi sự đày đọa của cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.
3. Nội dung Kinh Vu Lan
Một sự kiện tương truyền từ rất lâu rằng, vào lúc Đức Phật đảnh lễ đống xương khô các bậc sinh thành trong quá khứ, ngài đã giảng dạy về 10 đức ân của bậc cha mẹ như sau:
1) Gìn giữ con khi mang thai.
2) Khổ đau trong sinh nở.
3) Lo lắng trăm chuyện đến lúc sinh nở.
4) Nuốt đắng nhả ngọt
5) Nhường khô nằm ướt
6) Bú mớm nuôi nấng
7) Tắm rửa săn sóc
8) Thương nhớ không nguôi
9) Quá vì con, thậm chí làm ác
10) Thương con trọn đời.
Chính vì thế con cháu có bổn phận đền đáp công cha nghĩa mẹ cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Đối với bậc làm cha, công ơn trời biển thuộc về phần nuôi nấng và giáo dục. Đối với người mẹ là cả bầu trời tình thương, 10 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm, đến khi con cái lớn khôn và hạnh phúc trong đời.
Báo hiếu cha mẹ là đức tính cần được nuôi dưỡng ở mỗi chúng sanh
Điểm nổi bật nhất trong Kinh Vu Lan Báo Hiếu nằm ở nội dung đạo hiếu như một phương pháp tu tập. Báo hiếu trong kinh Vu-lan nhắc đến Ngài Mục Kiền Liên – vị đệ tử nổi tiếng với thần thông, thì trong kinh Báo Ân, báo hiếu được diễn giải từ sự kiện đức Phật đảnh lễ đống xương khô, trong đó có các vị ông bà tổ tiên của ngài.
Giá trị giáo dục nói chung của hai kinh này rất cao. Cụ thể, cả Thánh nhân và Phật đều hiểu và làm tròn chữ hiếu với bậc cha mẹ. Như vậy có thể thấy, đạo hiếu là nền tảng của đạo làm người và đạo thánh nhân. Nếu mất đi đức tính này, đạo đức của con người sẽ bị phá vỡ và không thể trở thành bậc hiền thánh xứng đáng để ca tụng và học hỏi theo.
Cách thức mà Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ mình ra khỏi cảnh quỷ đói là nhờ hình thức chú nguyện của cộng đồng Tỳ Kheo kết hợp công đức của bản thân. Đây là điểm mấu chốt trong Kinh Vu Lan. Lúc này oai đức của cộng đồng được xem như biển cả bao la, có thể giải thoát con người khỏi sự kìm hãm của thế giới ngạ quỷ.
Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi thế giới ngạ quỷ bằng đạo đức cộng đồng, công đức và cả nỗ lực tự tâm của người mẹ
Nội dung của bài Kinh Vu Lan Báo Hiếu nhằm dạy bảo chúng ta nên tu tập, làm Phật sự, đồng thời sống nương tựa vào đạo đức cộng đồng. Trong đó đạo đức cộng đồng được xem là giải pháp lý tưởng của mọi vấn đề đạo đức và luân lý thời đại. Chính nhờ đạo đức cộng đồng của các vị thánh tăng và cao tăng, mẹ Ngài Mục Kiền Liên mới chuyển hóa các nghiệp xấu ác của ngạ quỷ thành nghiệp thiện và tái sanh về cảnh giới tốt. Quá trình này được xem là nền tảng nỗ lực của tự tâm. Bởi vì nếu mẹ Ngài Mục Kiền Liên không cố gắng chuyển hóa nghiệp xấu ác của chính bà, thì dù có trăm nghìn oai đức của chư tăng cũng khó lòng giải thoát khỏi ngạ quỷ xấu xa. Điều này rất quan trọng trong Kinh Vu Lan.
Bài kinh dành cho tất cả loài người, những ai có trách nhiệm báo đáp công sinh thanh, dưỡng dục của cha mẹ. Ngoài ra, Kinh Vu Lan Báo Hiếu còn giúp đỡ những chúng sinh đang bị đau khổ vì nghiệp bất thiện gây ra ở quá khứ lẫn hiện tại. Việc báo hiếu dành cho tất cả mọi người, dù bạn là đệ tử tại gia hay đệ tử xuất gia; dù là người sống hay người quá vãng.
Lễ Vu Lan Báo Hiếu diễn ra hằng năm vào rằm tháng 7
4. Cách tụng niệm Kinh Vu Lan
Nội dung trong Kinh Vu Lan có nghĩa lý rất thâm sâu và kỳ diệu. Từng câu chữ trong kinh đều mang tính ẩn dụ cao, nếu chỉ đọc qua một hai lần rất khó để hiểu rõ cốt lõi vấn đề. Do đó, khi tụng kinh, bạn phải hết lòng thành kính và có tâm tha thiết trân quý từng câu chữ.
Trước khi tụng Kinh Vu Lan Báo Hiếu, bạn hãy rửa tay, súc miệng sạch sẽ, đồng thời thay bộ y phục phải trang nghiêm. Ngồi với tư thế ngay thẳng. Lúc lạy hoặc quỳ, chú ý giữ thân đoan nghiêm. Miệng đọc vừa đủ nghe, không tụng quá to ảnh hưởng đến người xung quanh.
Tụng niệm Kinh Vu Lan cần tuân thủ quy định về y phục và vệ sinh cá nhân
Thông qua con đường tự chuyển hóa tâm thức bản thân, hành vi và lời nói của chúng ta mới trở nên hướng thiện. Kinh Vu Lan và lễ hội báo hiếu sẽ tiếp tục trường tồn theo thời gian, khi đạo đức chữ hiếu và đạo lý làm người còn hiện hữu trong lòng tất cả mọi người.
Bài viết trên đây là tổng hợp nội dung hữu ích liên quan đến Kinh Vu Lan Báo Hiếu. Vật phẩm Phật giáo mong rằng bạn đọc đã hiểu được ý nghĩa và nội dung cốt lõi của bài kinh, từ đó đặt chữ Hiếu làm tiền đề cho đạo đức.
Nam Mô A Di Đà Phật!