Suốt 46 năm hành hóa, giáo lý về tứ diệu đế và bát chánh đạo được tiếp tục mở rộng như những xương sống của đạo Phật. Khi trình bày tứ diệu đế, chúng ta sẽ thấy được tính nhất quán của bốn sự thật với nhau. Vậy, bốn sự thật này liên hệ cụ thể như thế nào? Mời bạn cùng theo dõi bài viết được chia bởi Vật phẩm Phật Giáo dưới đây.
Tứ diệu đế (The Four Noble Truths) – giáo lý căn bản của Phật giáo
I. Tứ diệu đế là gì?
Tứ diệu đế có khi gọi là Tứ thánh đế hay Tứ đế. Trong tiếng Phạn, sacca là đế và ariya có nghĩa cao quý, vì vậy Ariya sacca được hiểu là chân đế, diệu đế. Tứ diệu đế (cattāra–ariya-sacca) chính là bốn sự thật màu nhiệm.
Tứ diệu đế chính là bài giảng chính thức đầu tiên của Phật sau khi thành đạo và cũng chính là điểm căn bản của đạo Phật khi tu học. Trong Chuyển Pháp Luân Kinh, Phật có nói bốn sự thật của Tứ diệu đế là khổ, tập, diệt và đạo ( duhkha, samudaya, nirodha, magga). Như vậy, nếu ai thấy rõ Tứ diệu đế là người ấy thoát khổ, không còn bị vô minh chi phối nữa.
Hiểu về Tứ diệu đế và thực tập Bát chánh đạo là chúng ta đang chế tạo ra sự an lạc
II. Khổ Đế là gì?
Khổ chính là sự thật thứ nhất mà chúng ta cần phải nhận ra, phải tìm hiểu. Cho dù Đức Phật có xuất hiện hay không thì cái khổ ấy vẫn không bị mất đi. Vì Đức Phật không phải là người sáng tạo ra sự thật này mà do nó đã có sẵn.
Về chân lý đầu tiên là Khổ đế ( dukkha sacca) thì từ dukka là một từ rất khó dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào khác. Để có thể hiểu tương đối trọn vẹn, chính xác thì ta có thể tạm hiểu dukka như sau:
- Những biến đổi của cơ thể vật lý này: sinh, lão, bệnh tử là dukkha
- Những biến đổi của trạng thái tâm lý: hỷ, nộ, ái, ố đều là dukkha
- Những gì cảm thấy khó chịu đựng, khó kham nhẫn là dukkha
- Những gì hư vô, ảo ảnh, không thực tế, không thể kiểm soát là dukkha
Trong Chuyển Pháp Luân kinh, Đức Phật đã giảng tóm tắt về Khổ đế rằng:
“Này các tỳ kheo (khất sĩ)! Sinh là sự hội họp của ngũ uẩn, là dukkha. Lão là thân thể suy nhược, già yếu, là dukkha. Bệnh hoạn, đau ốm là dukkha. Tử là sự tan rã của ngũ uẩn, là dukkha. Uất ức, bực tức, là dukkha. Thương mà phải chia lìa, là dukkha. Muốn mà không được toại lòng, là dukkha. Tóm lại, ngũ thủ uẩn là dukkha.”
Từ đoạn kinh trên, chúng ta có thể tóm gọn được 8 loại dukkha:
- Sinh
- Lão
- Bệnh
- Tử
- Ái biệt ly ( yêu thương nhau mà phải lìa xa)
- Oán tăng hội ( ghét nhau mà phải gặp nhau, chung sống với nhau)
- Cầu bất đắc ( cầu mà không có được, đạt được)
- Thủ ngũ uẩn ( sắc, thọ, tưởng, hành, thức )
Ngũ uẩn là thành phần tâm thức và sinh lý cấu tạo nên mỗi cá thể
Vì thủ ngũ uẩn ( sắc, thọ, tưởng, hành, thức), tượng trưng cho 5 yếu tố tạo thành con người trên cả thân và tâm trí nên mới có mặt của tám dukkha trên. Trong đó, chữ “ uẩn” có nghĩa là tích hợp theo từng loại, ví dụ: sắc có nhiều sắc tích tụ lại hay thọ có nhiều loại thọ tích tụ lại. Vậy ngũ uẩn là nguồn gốc của đau khổ.
Ngũ uẩn có thể tóm tắt như sau:
- Sắc: Sắc thân này, tấm thân này gồm có 6 căn ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – tư tưởng dùng để phân biệt) và đối tượng của căn là 6 lục trần ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – những hình ảnh được lưu lại từ 5 trần ở trước).
- Thọ: Là cảm thọ, cảm giác. Khi căn và trần gặp nhau thì sẽ phát sinh ra những cảm thọ. Thân có 3 cảm thọ là khổ, lạc, xả và ý có 3 cảm thọ là hỷ, ưu, xả.
- Tưởng: Được hiểu là tri giác, nhận biết, xác định khái quát đối tượng là sắc, thanh, hương, vị hay xúc.
- Hành: Bao gồm 50 tâm sở thiện, bất thiện và bất động. Chính là những diễn biến tâm lý, trạng thái tâm lý.
- Thức: Là một cách gọi khác của tâm, bao gồm tất cả là 89 tâm. Thức này là nhận thức, kinh nghiệm được tích góp.
Vì vậy, đối với người tu thiền quán cần phải biết chứng thực ngũ uẩn này. Nếu không thấy rõ ngũ uẩn thì không thể giải thoát.
III. Tập Đế là gì?
Tập đế là những nguyên do dẫn đến khổ, tất cả 8 cái khổ trên đều có một nguyên nhân chung nhất là do vô minh và ái dục sinh ra, cụ thể:
1. Vô minh
Là tình trạng tâm trí si mê, không tỉnh táo, không tự biết mình. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự quên mình, quên người như vậy là do bị 3 hành tướng che mờ như sau:
- Hôn trầm, thụy miên: Trạng thái mệt mỏi, rũ rượi về thân lẫn tâm. Trong đó, hôn trầm là thờ ơ, tiêu cực, thụ động, lười biếng,… còn thụy miên là buồn ngủ, lừ đừ,…
- Trạo hối bao gồm trạo cử và hối quả, trong đó:
- Trạo cử: Trạng thái tâm bị dao động và phóng lên trên: vọng tưởng, mơ mộng, suy nghĩ vẩn vơ.
- Trạo hối: Trạng thái tâm bị dao động và phóng xuống, bao gồm nuối tiếc quá khứ, trầm uất về những gì đã qua.
- Nghi: Là trạng thái lưỡng lự, do dự, ngờ vực, lạc lối không định hướng.
Vì vậy, 3 trạng thái trên đã che mờ, chi phối nên dẫn đến làm cho chúng ta đánh mất sự tỉnh thức, tạo ra khổ ải cho mình và cho người.
2. Ái dục
Ái dục được gọi chung cho cả tham – sân – si. Đây là 3 ảo tưởng ham muốn đẻ ra 3 ảo giác khổ khổ, hành khổ và hoại khổ, cụ thể:
- Tham: Là lòng tham đắm, ưa thích mong muốn giữ lại những đối tượng yêu thích. Tuy nhiên, vạn vật là vô thường ( luôn luôn biến đổi) nên đây chính là ham muốn sai lầm:
- Khi ta muốn lưu giữ mãi người thân ở bên cạnh mình, đó là sai lầm. Vì ai cũng sẽ chịu sự chịu quy luật sinh tử của tự nhiên hoặc rời đi để thực hiện lý tưởng sống.
- Sự hạnh phúc, sắc đẹp, món ăn, trạng thái tâm lý… đều bị chi phối bởi các định luật, sẽ bị biến đổi và thay đổi chất. Không có cái gì sẽ ở mãi với chúng ta do lòng yêu thích của chúng ta được.
- Sân: Là tâm lý bực tức, bất mãn, oán hận khi một sự kiện khiến chúng ta không vừa ý.
- Cái nóng, cái lạnh cho dù ta có thích hay không thì nó vẫn đến và đi.
- Những người khó ưa khiến ta khó chịu thì họ vẫn tồn tại xung quanh ta. Vì vậy, ý muốn triệt tiêu những điều không vừa ý là trái với định luật tất yếu của vạn hữu.
Sự vô minh, tham – sân – si khiến con người đánh mất chính mình và gây ra đau khổ cho chúng sinh khác
- Si: Là trạng thái đần độn, nghi hoặc, chìm đắm không chỉ ở hiện tại, tương lai mà cả quá khứ. Như một xác chết vật vờ giữa dòng sống, cái gì cũng không vừa lòng và chỉ có ăn, ngủ, thụ hưởng là chính.
IV. Diệt Đế là gì?
Tập đế là nhân, khổ đế là quả và diệt đế ( niết bàn) là quả sẽ mất. Do đó, diệt đế là dụng ngữ đầy trí tuệ của Đức Phật hàm chỉ chấm dứt tất cả mọi ảo tưởng, tham, sân si, vô minh, ái dục. Một lưu ý trong quá trình tu tập, nếu như chúng ta cố dùng đạo đế để diệt khổ đế là sai lầm. Bởi ánh sáng đến thì bóng tối lui vào, ta không thể diệt bóng tối.
Vì vậy, chúng ta có thể tìm thấy Niết bàn ngay tại đây, ngay tại lúc này mà không phải chờ đi qua một kiếp sống khác. Hơn nữa, Niết bàn không thể được mô tả bằng khái niệm như: sinh, diệt, tới, đi, còn, mất, có, không,…
Bởi các khái niệm ấy cũng chỉ là do tâm trí con người đặt ta nên nó không phản ánh hết thực tại. Nếu như chỉ tìm một cõi sống mà chỉ có thanh tịnh, luôn luôn tốt đẹp là chúng ta cũng đã rơi vào cái bẫy của vô minh và ái dục.
Chúng ta cần đốt cháy mọi khái niệm về thường, kể cả là vô thường trong Phật giáo, vì như thế ta mới có thể chạm đến Niết bàn
Một ví dụ mà các nhà sư thường hay nói đến là nước và sóng. Sóng có thể rối ren, lạc lối vì nó suy nghĩ rằng: “ tôi không lớn bằng các ngọn sóng khác”, “ tôi bị đàn áp”, “ tôi không có hình thù đẹp đẽ như con sóng kia”. Ngọn sóng đau khổ vì những ý nghĩ đó.
Nhưng nếu sóng nhìn sâu, nó có thể nhận ra rằng nó và và những con sóng khác đều có chung bản chất là nước. Do đó mà sự sợ hãi, tự ti của nó sẽ biến mất. Đó chính là sự tự do muôn đời, của Niết Bàn không bị ràng buộc bởi những ý niệm sinh, tử, thấp, cao, đến, lui,…
- Đạo Đế là gì?
Đạo đế là con đường diệt khổ tu tập theo bát chánh đạo, bao gồm: kiến, tư duy, ngữ. nghiệp. mạng. tấn, niệm, định. Tu tập thêm giới, định, tuệ cũng chính là tu tập 37 pháp mang chức năng bổ trợ cho bát chánh đạo, cụ thể như sau:
- Ngũ Căn gồm: Tín, tấn, niệm, định, tuệ.
- Ngũ Lực gồm: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
- Tứ Chánh Cần: 4 tấn
- Tứ Niệm Xứ: 4 niệm
- Tứ Như Ý Túc gồm: Dục, tấn, tâm, tuệ
- Thất Giác Chi gồm: Niệm, pháp, tấn, hỷ, an, định, xả.
VI. Con đường tu tập để đến Niết bàn
Đạo đế chính là con đường để thực hành thoát khổ, không phải là một chân lý để tôn thờ hay để cố gắng chứng minh đúng sai. Bởi sự giác ngộ là một bài toán tâm linh mà không có một công thức chung.
Bát chánh đạo – con đường chuyển hóa đưa tới sự giải thoát và an tịnh
Do đó, mỗi người sẽ cần tự mình đi trên con đường Bát chánh đạo, tu tập giới – định – tuệ để chấm dứt ảo tưởng ( tập đế) và ảo giác ( khổ đế) thì niết bàn ( diệt đế) sẽ tự hiển lộ. Đem đến sự bình an cho chính mình, sống chan hòa và thánh thiện.
VII. Chứng ngộ Niết bàn trong tu tập
Để chứng ngộ Niết Bàn, chúng ta cần thực hành đi trên con đường Bát chánh đạo, tu tập giới – định – tuệ để đạt sự chứng ngộ Niết bàn. Vậy, chúng ta có thể điểm lại vài điều trong giới – định – tuệ như sau:
- Giới thuộc thân: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng
- Định thuộc tâm: tinh tấn, chánh niệm, chánh định
- Tuệ thuộc trí: chánh kiến, chánh tư duy
Chánh kiến ( sammā) thường được hiểu là cái thấy chân chính, nhưng chính ngôn từ cũng không thể diễn tả hết ý nghĩa của từ “chánh” mà chỉ một phần. Hiểu một cách khác là không chỉ thấy chân chính mà còn thấy đúng, thấy thực, thấy trọn vẹn.
VIII. Tu giới – định – tuệ để tạo phước lành
Tu giới – định – tuệ, Bát chánh đạo là chính chúng ta đang tự tạo phước lành cho mình và mang đến bình an cho mọi người, vậy:
Khi thân tu giới:
- Tu tập chánh ngữ là nói những điều chân thật, đúng lúc, đúng chỗ, đúng người nhằm tránh gây nên hiểu lầm. Ví dụ Bồ tát Quán Thế Âm nói rằng:” không có mắt, không có mũi, không có Tứ Đế,…” thì Bồ tát chỉ nói cho những người có đủ khả năng tiếp nhận. Vậy, nếu như chúng ta đem nói cho những người không có đủ khả năng để hiểu thì ta đang thực tập tà ngữ. Do đó, không phải cứ nói pháp là mình đang thực tập chánh ngữ.
- Chánh nghiệp là chúng ta có một tư duy, một ý nghĩ đầy tha thứ bao dung. Từ đó, mọi hành động hay lời nói của chúng ta đều có trí tuệ và chữa lành cho mình, cho gia đình, đất nước.
- Ngoài ra, nuôi mạng sống của mình một cách chân chính, lìa xa những công việc có hại cho người khác, cho chúng sanh khác ( chánh mạng)
Tu sửa bản thân bằng cách thực hành theo đạo Phật bằng phương pháp Bát chánh đạo và giới – định – tuệ
Khi tâm tu định: Chúng ta cố gắng làm điều lành, lánh điều ác ( tấn), lìa xa tạp niệm, giữ chánh niệm. Cố gắng tu thiền định thì từ từ chúng ta sẽ có tấn – niệm – định tốt hơn.
Khi tu trí tuệ: Chúng ta lìa xa tất cả những tà kiến và tu chánh kiến để có một cái nhìn đúng đắn, toàn vẹn về mọi sự vật hiện tượng.
IX. Tu giới – định – tuệ để tìm thấy Niết-bàn
Khi nói về pháp, Đức Phật đã dạy những điều chân chính mà mỗi người phải tự chứng nghiệm trong lòng mình như sau:
- Sandiṭṭhiko: Có nghĩa là thấy ngay trong hiện tại này
- Akāliko: Vượt ngoài giới hạn của thời gian và không bị nhân quả chi phối.
- Ehipassiko: Trở về mà thấy rõ tỏ tường
- Opanāyiko: Dừng lại trên chính chính, bước trên đất một cách chú tâm, chánh niệm
- Paccatam veditabbo viññūhi: Tự chứng thực, tự giác ngộ trên hành trình tu tập
Như vậy, trong cái thấy giác ngộ thì sự thật đã hiện ra ngay lập tức mà không chờ đến có nhân có quả. ở ngay lúc này và bây giờ. Ở trong chính tấm thân này cùng với cảm giác và tư tưởng ( ngũ uẩn).
Vì vậy, tu giới – định – tuệ để chứng ngộ Niết bàn thì nó đã bao gồm đủ Bát chánh đạo vì:
- TInh tấn là để ngăn ác, làm điều lành ( giới)
- Chánh niệm là để đi đến định ( định)
- Tỉnh giác là để đi đến trí tuệ ( tuệ)
Tuy nhiên, rút gọn hơn nữa thì chỉ còn niệm và tỉnh giác vì trong niệm và tỉnh giác đã chứa tinh tấn. Lúc này, hành giả sử dụng niệm, tỉnh giác để quán thân, thọ, tâm, pháp ( tứ niệm xứ), quán ngũ uẩn,…
Trên lộ trình này, khởi đầu là tuệ thấy rõ danh – sắc, từ đó phá tan ảo giác về cái ta riêng biệt từ đó sự thật dần hiển lộ. Đạo đế khi ấy chính là diệt đế và khổ đế, tập đế trở nên tỏ tường.
Cùng đón đọc thêm nhiều tài liệu giáo dục Phật giáo phi thương mại của Vật phẩm Phật giáo tại website vatphamphatgiao.com hoặc liên hệ số hotline 08.6767.1366 khi bạn có nhu cầu về các sản phẩm Phật giáo như tượng Phật, vòng tay, pháp phục,… để được tư vấn nhanh chóng.
Nam Mô A Di Đà Phật!