Năm 1963, Hoà Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối sự đàn áp của chính quyền đương thời với Phật giáo. Nghĩa cử của ông vẫn còn lưu truyền mãi với câu chuyện về “trái tim bất diệt”. Cùng Vật phẩm Phật Giáo tìm hiểu về câu chuyện của Hòa Thượng Thích Quảng Đức qua bài viết bên dưới.
Tượng sáp Hòa Thượng Thích Quảng Đức tại Tổ đình Quán Thế Âm
I. Khái quát tiểu sử Hòa thượng Thích Quảng Đức
Hoà Thượng Thích Quảng Đức sinh năm 1897, thế danh là Lâm Văn Tức. Ông sinh ra ở làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa trong gia đình có 7 anh chị em. Thân sinh của ông là cụ ông Lâm Hữu Ứng và cụ bà Nguyễn Thị Nương.
Ông được cha mẹ cho đi xuất gia từ năm 7 tuổi, đến năm 15 tuổi được thọ giới Sa-di, 20 tuổi thọ giới Tỳ-kheo. Ông có Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp và Pháp hiệu Quảng Đức.
Hoà Thượng có thời gian tịnh tu 3 năm và sau đó bắt đầu đi khắp miền Trung để Giảng Pháp. Trong thời gian đi, ông có những đóng góp trong việc kiến tạo và trùng tu lại nhiều ngôi chùa.
Lễ tưởng niệm Bồ – tát Thích Quảng Đức tại di tích cuối cùng của Ngài – tổ đình Quán Thế Âm
Ông từng giữ nhiều vai trò trong giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ như Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt, Chứng minh đạo sư cho chi hội Phật học Ninh Hòa,…
II. “Lời nguyện tâm quyết” của Bồ tát Thích Quảng Đức trước khi tự thiêu
Bối cảnh miền Nam Việt Nam từ năm 1954 – 1963 dưới sự cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa ra nhiều chính sách hà khắc, trong đó có chính sách kỳ thị tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Những chỉ thị cực đoan như cấm treo cờ Phật giáo ở nơi công cộng, cấm Tăng Ni thuyết pháp đến cộng đồng, bắt Tăng Ni đánh đập vô cớ.
Trong đó, sự việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khiến 8 Phật tử tử vong và một số khác bị thương tại Đài phát thanh Huế khi Phật tử tập trung chờ nghe chương trình đại lễ Phật đản diễn ra tại chùa Từ Đàm. Sự việc diễn ra vào đêm rằm tháng 4 âm lịch năm 1963 chính là đỉnh điểm gây ra sự phẫn nộ trong nhân dân và cộng đồng Phật tử.
Sau đó, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gửi bản yêu sách 5 điểm để đòi lại quyền bình đẳng tôn giáo lên chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng bị từ chối. Tăng Ni, Phật tử càng đấu tranh thì chính quyền Ngô Đình Diệm còn tăng cường lực lượng đàn áp dã man và khốc liệt hơn.
Trước tình hình như vậy, ngày 27/5/1963 Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã quyết định đến chùa Ấn Quang bạch với Hòa thượng Thích Thiện Hoa nộp đơn xin thiêu thân quyết bảo vệ đạo Pháp, phản đối chính quyền và bảo vệ sự tồn vong của Việt Nam.
Tranh vẽ chân dung của Hòa thượng Thích Quảng Đức
Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trong đơn rằng: “Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc, Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy, điều này lịch sử đã minh nhận”.
Trong “Lời nguyện tâm quyết”, ông khẳng định phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. 4 điểm trong lời tâm huyết bao gồm:
– Một là mong ơn Phật tổ gia hộ để tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu trong bản tuyên ngôn của Phật giáo Việt Nam.
– Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ mong ước cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
– Ba là ông mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho Chư Đại Đức Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi đại nạn khủng bố và bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.
– Bốn là ông cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.
Lời nguyện tâm quyết của ông chính là hữu tâm của một người đệ tử Phật chân chính nhằm thức tỉnh chính quyền Ngô Đình Diệm có lòng bác ái đối với nhân dân và thực hiện chính sách bình đẳng tôn giáo. Ông nguyện mong đất nước sớm hoà bình, nhân dân yên ấm, Phật Pháp trường tồn trên thế gian.
III. Sự kiện tự thiêu và câu chuyện “trái tim bất tử” của Hòa Thượng Thích Quảng Đức
1. Toàn cảnh sự kiện tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức
Đúng ngày 11/06/1963 nhằm ngày 20/4 năm Quý Mão, theo như dự định, Hoà thượng được tẩm xăng lên y áo, ngồi trong xe ô tô dẫn đầu đoàn diễu hành rước theo di ảnh của các vị Thánh tử đạo gồm trên 800 vị Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử.
Chiếc xe dừng lại ở ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (hiện nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, Hồ Chí Minh). Hòa thượng Thích Quảng Đức bước đến giữa ngã tư đường, ngồi xếp chân kiết già, điềm nhiên châm lửa.
Khung cảnh Hòa Thượng tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm
Ngọn lửa bắt đầu bùng cháy lớn phủ kín hết thân nhưng ông vẫn thản nhiên chắp tay tĩnh tọa trước sự chứng kiến của nhiều Tăng Ni, Phật Tử và nhân dân. Sau khoảng 15 phút cháy thì lửa tàn, Hòa thượng đổ gục xuống đường.
Nhục thân của Ông sau đó được đưa về An Dưỡng Địa để làm lễ hỏa táng. Sau hai lần hoả thiêu ở nhiệt độ lên đến 4000 độ C, thân thể dù đã thành tro nhưng trái tim vẫn không thể bị thiêu cháy.
Trước đại nguyện “vị Pháp thiêu thân” vĩ đại của Hòa thượng Thích Quảng Đức làm tăng sức ép quốc tế với chính quyền Ngô Đình Diệm, khiến Tổng thống Diệm buộc phải tuyên bố một số cải cách để xoa dịu giới Phật tử.
Ngô Đình Diệm đã đẩy mạnh sự kỳ thị trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục… Trong đó là âm mưu loại Phật giáo ra khỏi đời sống tín ngưỡng.
Những cải cách lại được thực hiện một cách chậm chạp, dẫn đến phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao. Bên cạnh đó, lực lượng Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc càn quét nhiều chùa chiền trên cả nước. Tuy nhiên, cuộc đảo chính quân sự vào tháng 11 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm, xóa bỏ nền Đệ Nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.
2. Trái tim không thể bị thiêu rụi của Hòa Thượng Thích Quảng Đức
Trái tim xá lợi bất diệt của Hòa Thượng đã mở ra hy vọng cho Phật giáo, đây được coi là biểu tượng của lòng từ bi, kết tinh năng lực tu hành, tâm từ bi nguyện hy sinh lợi ích chúng sinh. Trong giới giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ Tát.
Trái tim không thể thiêu rụi dù được đốt 2 lần với ngọn lửa lên đến 4000 độ C
Sự kiện Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân làm chấn động dư luận trên thế giới. Đại nguyện của Ông là tinh thần “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Sự hy sinh này nhằm bảo vệ quyền lợi của con người, quyền lợi tôn giáo, sự phát triển của Phật Pháp và mang lại hòa bình thế giới.
Bài viết trên của Vật Phẩm Phật Giáo đã mang đến cho bạn một góc nhìn tổng quan nhất về về Hòa Thượng Thích Quảng Đức và trái tim xá lợi của ông. Hi vọng sẽ giúp bạn biết thêm nhiều kiến thức hữu ích về Phật Giáo.
Nam Mô A Di Đà Phật!