Đức Phật được xem là nhà tu hành, nhà thuyết giảng, nhà triết học và là người đã sáng lập ra Phật giáo. Theo tín đồ Phật giáo, Ngài là người đầu tiên hoàn toàn giác ngộ đi đến Niết bàn. Tuy nhiên, để trở thành Đức Phật được thế gian tôn thờ thì Ngài đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn trên đường tìm đạo. Bài viết dưới đây của Vật phẩm Phật Giáo sẽ chia sẻ đến bạn về cuộc đời Đức Phật.
Đức Phật xuất thân là một thái tử thuộc vương tộc Gautama tại Nepal ngày nay
I. Sự ra đời của Thái tử Tất – Đạt – Đa
Đức Phật sinh ra ở miền Trung Ấn Độ, ngày nay nằm ở khu vực nước Nepal ven sườn dãy Himalaya. Ngài là Thái tử nước Ca-tỳ-la-vệ, tên là Tất-Đạt-Đa. Cha ngài là Đức Vua Tịnh Phạn vương Đầu-đà-na và Hoàng Hậu Ma-da.
Trong buổi lễ vía Tinh Tú, sau khi dâng hương và bố thí cho người dân, Hoàng Hậu trở về cung điện nghỉ ngơi. Tương truyền rằng, Bà nằm mộng thấy một con voi trắng, bay xuống rồi lấy ngà khai hông bên phải chui vào. Vua Tịnh Phạn nghe các thấy chuyện bèn nhờ các vị tiên tri đến đoán mộng. Các nhà tiên tri dự Hoàng Hậu sẽ hạ sanh được một quý tử có tài đức vẹn toàn.
Theo tục lệ của Ấn Độ xưa, trước khi sinh Hoàng Hậu sẽ về nhà của cha mẹ là vua A Nậu Thích Ca ở nước Câu – ly . Trên đường trở về, bà cùng đoàn tùy tùng có ghé vườn hoa Lâm tỳ ni lúc bình minh. bà ngắm hoa trong vườn thì thấy nhánh hoa Vô Ưu nở rực đầy cảnh, bà bước tới. Khi tới gần cây, bà thấy hơi lảo đảo. Bà vội đưa tay nắm chặt cành cây Vô Ưu. Một giây sau, bà hạ sinh Thái tử.
Thái tử sinh vào ngày mồng tám tháng tư (624 năm trước Tây lịch). Sau khi sinh 7 ngày thì Hoàng Hậu Ma-da mất. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho bà Ma-ha-Bà-xà-ba người em gái của Hoàng Hậu nuôi dưỡng.
Hoa vô ưu có nghĩa là không muộn phiền và là biểu tượng của sự tự do
Ngày Thái tử đản sanh mọi nơi trong thành đều mang không khí hân hoan lạ thường. Đức vua mời vị đạo sĩ nổi tiếng tên là A Tư Đà đến xem tướng cho Thái tử. Đạo sĩ A Tư Đà xem và chỉ ra rằng Thái Tử có 32 tướng tốt xuất hiện nên sau này ngài sẽ trở thành sẽ thành một vị Thánh. Nhà Vua nghe xong không vui vì chỉ muốn con mình trở thành một vị vua nối dõi tông đường.
Khi Thái Tử lên 7 tuổi, Ngài được học những vị thầy giỏi nhất trong nước, tinh thông các môn văn học và ngôn ngữ học. Ngài tiếp tục chuyển qua các môn công kỹ nghệ học và đến cả Y học. Sau đó, Ngài còn học thêm cả về Luận lý học cũng như Đạo học. Riêng về Đạo học, Thái tử đã được dạy về 4 sách của các Thánh Vệ Đà. Đây là những sách nói về các Thánh trong đạo Bà La Môn.
Kinh Phật nói rằng chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã tinh thông tất cả 5 môn học và 4 sách Vệ Đà trên. Đến năm 13 tuổi thì Thái tử bắt đầu học võ thuật. Nhờ có sức khỏe phi thường và tư chất thông minh nên Thái tử học môn gì cũng giỏi. Chẳng bao lâu Thái tử đã trở thành một vị văn võ song toàn khó một ai sánh kịp
Song song với sự phát triển về tài năng, đức độ của Ngài cũng phát triển một cách vô cùng sâu sắc. Nhưng có một điều lạ là từ khi sinh ra cho đến khi khôn lớn, Ngài chưa lần nào được dạo chơi ở ngoài thành cả.
II. Đời là bể khổ
Vào một ngày xuân nọ, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy. Mặc dù khung cảnh mát mẻ của mùa xuân với hoa quả tươi thắm, muôn chim ca hót nhưng trong tâm hồn của Thái tử cảm thấy bồn chồn và xao động. Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật thì nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ và an vui.
Bởi vì dưới ánh nắng thiêu đốt kia, người nông phu và trâu bò phải làm việc vô cùng cực nhọc để mưu sinh. Khi Thái tử nhìn qua khu rừng kế bên thì thấy người thợ săn đang ở trong bụi rậm để nhắm bắn những con chim. Nhưng chính người thợ săn cũng không biết là có con cọp đang rình để chụp lấy ông ta.
Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tất yếu của tự nhiên mà không ai có thể tránh khỏi
Từ đó, Thái tử nhận thấy rõ ràng sự sinh sống là khổ. Một hôm khác, Thái tử xin vua cha đi dạo ngoài để được tiếp xúc với thần dân. Khi ra đến cửa đông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt mờ, chống gậy bước từng bước nặng nề như người muốn ngã. Đến cửa nam, Thái tử thấy một người bệnh hoạn đang than khóc, rên siết đau đớn vô cùng.
Qua đến cửa tây, Ngài trông thấy một cái thây chết nằm ngay giữa đường và ruồi nhặng đang bu quanh. Rồi một buổi nọ, Ngài ra cửa bắc thì gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh và thản nhiên như người vô sự đi qua đường. Ngài vội vã đến hỏi về lợi ích của sự tu hành đó. Vị sa môn đã đáp lại rằng: ”Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, để cầu cho mình thoát khổ và để phổ độ chúng sinh đều được giải thoát như mình”.
Khi về hoàng cung, Thái tử nghĩ lại những cảnh: khổ, già, bệnh, chết cùng những cảnh tương tàn tương sát kia. Ngài ngẫm nghĩ lời nói của vị tu sĩ nọ và Ngài vui mừng khôn xiết. Lời người tu sĩ kia chính là ánh sáng mặt trời đã phá tan những đám mây âm u của Ngài bấy lâu nay.
Thấy con mình buồn bã, vua cha dựng lên một cung điện nguy nga và gọi đàn ca múa hát để cho Thái tử được vui. Thêm vào đó, vua cha còn cưới cho Thái tử một người vợ tuyệt thế giai nhân, đó chính là công chúa Da Du Đà La.
Thái tử lập gia thất và sau đó sinh được người con trai, đặt tên là La Hầu La. Nhìn con Ngài nói:” Một trở ngại đã được sinh, một ràng buộc đã xảy ra”. Tuy sống trong lâu đài tráng lệ, vợ đẹp con xinh, quyền uy danh vọng, nhưng Thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn.
Tuy sống trong quyền uy danh vọng, nhưng Đức Phật luôn băn khoăn ra đi tìm đạo
Ngài cho rằng cuộc đời mà Ngài đang sống không phải là hạnh phúc chân chật, mà chỉ là cảnh giả dối, mê muội. Từ đó, Ngài quyết chí phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật và cao đẹp hơn.
Sau cùng, Ngài xin vua cha cho mình được xuất gia nhưng vua cha đã từ chối lời thỉnh cầu đó. Không còn cách nào khác, Thái tử đã yêu cầu vua cha bốn điều kiện. Nếu nhà vua giải quyết được thì Ngài sẽ bỏ ý định đi tu và bốn điều đó là làm sao cho:
- Con trẻ mãi không già,
- Con sống hoài không chết,
- Con mạnh khỏe mãi không đau,
- Và cho mọi người hết khổ.
Bốn điều trên đã làm cho vua cha vô cùng bối rối và không thể nào giải quyết được. Từ khi biết con mình có ý định xuất gia, vua cha lại càng lo sợ và cố tìm cách ngăn cản. Tuy nhiên, một khi Thái tử đã quyết thì không có sức mạnh nào có thể ngăn cản được. .
III. Xuất gia tìm đạo
Vào một đêm khuya, thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ đã ngủ say sau một cuộc yến tiệc linh đình. Thái tử vội vàng đánh thức tên giữ ngựa Xa-nặc dậy để thắng cương con ngựa Kiền Trắc của Ngài.
Trước khi ra đi, Thái tử đi đến trước phòng công chúa Da Du Đà La và người con trai đang ngủ say. Thái tử mở hé rèm và nhìn vào, lòng Ngài đầy xót xa cho người vợ trẻ và đứa con trai còn nhỏ dại của mình. Nhưng đối với sự khổ đau của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn.
Sau đó, hai thầy trò cùng nhau trốn ra khỏi thành vào đêm mùng tám tháng hai. Lúc đó Ngài được 19 tuổi. Sự hy sinh của Thái tử không phải là sự từ bỏ của một người đã ngán ngẫm cuộc đời. Đây chính là sự hy sinh từ bỏ của một vị Thái tử đang tuổi thanh xuân và đang sống trong quyền quý giàu sang.
Trong kinh điển của Phật giáo, dục lạc cũng không thể níu giữ chân Thái tử Tất Đạt Đa
Khi vào đến rừng sâu, Ngài tìm đến bờ sông Anoma. Nơi đây, Thái tử đã cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa Nặc đem về. Sau đó, Thái tử đổi y phục hoàng gia của Ngài cho người thợ săn để lấy một chiếc y màu vàng. Bây giờ, Thái tử một mình ra đi với bộ áo màu vàng của người tu sĩ và bắt đầu cuộc sống không nhà không cửa của người xuất gia cầu đạo.
Khi thì Ngài ngồi nghỉ ở dưới bóng cây, khi thì Ngài nằm nghỉ qua đêm ở trong một hang đá. Mặc dù đi chân không và đầu để trần, Ngài vẫn đi giữa nắng nóng ban ngày cũng như trong những đêm sương giá lạnh. Thái tử đều dồn ý chí về với một lý tưởng cao cả là cố tìm cho được một con đường dẫn tới giải thoát để đạt đến cõi Niết bàn bất tử.
Ban đầu, Thái tử tìm đến 2 đạo sư danh tiếng nhất ở Ấn Độ thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả hai vị này đều tu theo phép Du già và đã chứng được những cấp thiền định cao nhất thời bấy giờ.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thì Thái tử đã đạt được cấp thiền cao nhất. Sau đó, Ngài nhận thấy đạo lý và lối tu hành của họ cũng không có gì siêu thoát. Vì Ngài nghĩ rằng bên cạnh thiền định thì phải còn một cái gì khác cần thiết khác trên con đường tìm đạo.
Sai lầm lớn nhất của Đức Phật là dành 6 năm cho lối tu hành khổ hạnh khiến Ngài suýt chết
Vì băn khoăn như thế, cho nên Ngài đã chọn phương pháp tu khổ hạnh. Lối tu ấy may ra có thể giúp Ngài tìm thấy ánh sáng của chân đạo. Khi đó, Ngài tìm đến một ngôi làng có tên là Uruvela. Cảnh vật xung quanh đây vô cùng yên tĩnh rất thích hợp cho thiền định của Ngài.
Đến nơi đây với Thái tử còn có 5 người tu khác là: Kiều Trần Như , Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Họ đi theo và tôn kính Ngài như là một vị đấng Đạo sư của họ và họ hy vọng Ngài sẽ chứng được chân lý.
Tuy nhiên, lối tu này đòi hỏi người tu phải sống một cách kham khổ: nhịn ăn nhịn uống, dãi nắng dầm sương. Ngài đã sống 6 năm trong chốn hoang dã và Ngài cố gắng nhịn đói. Dần dần Ngài chỉ còn da bọc xương. Bởi vì Ngài nghĩ rằng nếu muốn đạt đến giác ngộ thì mình phải can đảm từ bỏ những gì bên ngoài.
Một hôm vì quá kiệt sức, Ngài ngã quỵ bên dòng sông Ni Liên và khi tỉnh dậy Ngài mới tỉnh ngộ mà nhận thấy rằng lối tu này chỉ hành hạ thân xác mà không giải thoát được gì. Ngài nghĩ rằng những nguyên nhân của sự đau khổ không phải là từ bên ngoài mà chính là những dục vọng từ trong tâm.
Khi nhận thức như vậy, Ngài đã quyết định chọn con đường trung đạo để đi tìm sự giải thoát. Dựa theo con đường trung đạo này, Ngài đã dùng Giới, Định, Tuệ để tiêu diệt những nhiễm ô ở trong tâm.
Vào mỗi buổi sáng hằng ngày, Đức Phật đi khất thực từng nhà không phân biệt giàu, nghèo, ngon, dở
Khi Ngài quyết định như thế, 5 nhà tu khổ hạnh trước đây đã từ bỏ Ngài và vì Ngài không tiếp tục tu hành theo như trước. Ngài nhận thấy rằng sức mạnh của cơ thể là một điều rất cần thiết cho việc thiền định. Do đó, Ngài liền xuống sông Ni Liên tắm rửa và bắt đầu đi khất thực.
Sau khi Ngài thọ bát sữa dê do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường, sức khỏe của Ngài được khôi phục. Ngài đi đến dưới gốc cây Bồ đề (cây Giác ngộ) và Ngài ngồi thiền dưới cây Bồ đề trên một nắm cỏ khô.
IV. Đức Phật thành đạo
Thái tử ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ-đề suốt 49 ngày đêm và trong 49 ngày đêm đó Ngài đã không ngừng chiến đấu với bọn Ma-vương. Ma vương ở đây không chỉ là những bọn quỷ sứ, mà còn là: Phiền não ma, Ngũ uẩn ma, Pháp hành ma, Tứ diệt ma, và Chư thiên ma.
Vì đã biết rõ đối thủ cộng với sự kiên tâm, Ngài đã khắc phục được phiền não ma và chuyển mê thành ngộ. Chiến thắng phiền não ma là một chiến thắng từ trong tâm. Vì thế chiến thắng này đã chứng tỏ lối tu hành khổ hạnh khi xưa là lạc hướng.
Ngũ uẩn là nguồn gốc của mọi khổ đau cho con người trên thế gian này
Trong đó:
Ngũ uẩn ma: Trong chúng ta ai cũng có một cái gọi là cái Ta ( cái Tôi). Cái Ta này chính là sự tạo thành từ ngũ uẩn ( sắc, thọ, tưởng, hành, thức) và luôn quay cuồng biến chuyển không ngừng.
Cũng vì sự biến đổi trên mà đã phát sinh ra không biết bao nhiêu là vọng tưởng trong tâm của chúng ta. Ngũ uẩn chính là vọng tưởng về bản ngã, gây nên ảo giác cho chính mình.
Pháp hành ma: Ma chướng này có ý ám chỉ những hành động tạo Nghiệp của Thân, Khẩu, Ý Những Nghiệp thiện ác này phát xuất từ phiền não và cũng chính nó đã đưa sự đau khổ, tạo ra kiếp luân hồi bất diệt.
Tứ diệt ma: Trong thân tứ đại của chúng ta, luật vô thường đóng một vai trò quan trọng, bởi vì chúng ta có sinh có tử. Nhưng cứ mỗi một giây, một phút chúng ta đang chết dần chết mòn, nhưng vì nó biến đổi quá nhanh nên chúng ta không nhận thấy Khi nào chúng ta còn vô minh, ái dục, phiền não và ô nhiễm, thì chúng ta còn bị định luật sinh tử chi phối.
Chư thiên ma: Loại ma này không đáng ngại bằng 4 nội ma ở trong tâm. Những chư thiên ma này xuất phát từ những vị quỷ thần trong cảnh giới dạ xoa. Chỉ có những bậc tu hành ở những nơi thanh vắng, hoặc người kém đức có thể bị chúng đe dọa. Nhưng đối với những bậc đức độ cao dày, họ đã đem lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả của mình để hóa độ chúng trở về với chánh đạo.
Sau cùng, nhờ năng lực của thiền nhập định, Ngài cảm thấy tâm hồn thật là thư thái và sáng suốt lạ thường. Vì sự giác ngộ đó, mà nhân loại đã gọi Ngài là bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác, trở thành Đức “Thích Ca Mâu Ni Phật
Khi đó, Ngài thành đạo năm ngài 30 tuổi và vào ngày mùng tám tháng chạp vào lúc sao mai mọc.
V. Hóa độ chúng sinh
Sau khi giác ngộ, Ngài nghĩ ngay đến sứ mạng cao cả là thuyết pháp để cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, chúng sinh từ lâu đời lâu kiếp đã quen sống trong bóng tối của si mê, do đó khi Ngài đem ánh sáng của trí tuệ đến thì chắc chắn họ sẽ nghi ngờ.
Nhưng Ngài hiểu rằng mỗi chúng sanh như bông hoa sen, dù sống trong bùn tanh hôi nhưng vẫn luôn luôn hương thơm ngát. Với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi vô bờ, Đức Phật đã hoàn thành sứ mạng của mình một cách viên mãn.
VI. Tạo lập tăng đoàn
Sứ mạng cao cả Đức Phật muốn thực hiện là kết nạp đệ tử. Những người đệ tử đầu tiên của Ngài phải có kiến thức để thấu hiểu giáo lý của Ngài, rồi sau đó mới nới rộng đến tất cả mọi người. Trước hết, Ngài muốn đem giáo lý ấy truyền lại cho hai vị thiền sư Alara Kalama và Uddaka Ramaputta đã dạy cho Ngài ban đầu.
Đức Phật thuyết pháp cho 5 người đệ tử đầu tiên của Ngài
Giữ lời hứa xưa “ Ai thành đạo trước thì tìm độ cho nhau ” nên Đức Phật đã liền tìm đến vườn Lộc Uyển. Sau đó, Đức Phật thuyết pháp cho 5 người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước kia.
Bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật nói về chân lý Tứ Diệu Đế mà đầu đề bài kinh có nghĩa là “ Chuyển bánh xe Pháp”. Con đường mà Đức Phật muốn nói đến ở đây là con đường trung đạo dẫn tới cuộc sống thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt. Con đường giải thoát mọi khổ ải chính là Bát Chánh Đạo.
Sau đó, Đức Phật thuyết pháp cho họ bài pháp thứ hai với tựa đề là “Anttlakkana Sutta”. Bài pháp này nói về chân lý vô ngã (không có cái Ta). Trong đó, Đức Phật đã chỉ rõ tất cả mọi hiện tượng trong thế gian này là do nhân duyên hợp thành nên tất cả mọi hiện tượng đó không có thực thể, không có tự tánh, tức là Vô Ngã
Sau khi 5 vị tu sĩ ở vườn Lộc Uyển trở thành A la Hán và họ là 5 vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Ngài chia tay với những đệ tử đầu tiên này, Ngài đi về phía Nam gần vùng Uruvela. Nơi đây có ba vị tu khổ hạnh là ba anh em ông Ma-ha Ca-Diếp , Nadi Kassapa và Gaya Kassapa.
Đức Phật đến gặp ông lần đầu tiên và xin phép được ngủ qua đêm. Ông này có thờ một con rắn thiêng rất độc. Ông Ca-Diếp tưởng rằng Đức Phật thế nào cũng bị con rắn thiêng này cắn chết, nào ngờ chính con rắn lại bị Đức Phật hàng phục bằng trí tuệ thần thông của Ngài. Cả ba anh em ông Ca Diếp hết sức ngạc nhiên và họ đem toàn thể 500 đệ tử xin quy y theo Phật.
Gần thành Vương Xá, có một thanh niên rất thông minh tên là Xá Lợi Phất. Tuy sống trong giàu sang nhưng ông luôn cảm thấy cuộc sống trống rỗng và vô vị. Ông có người bạn thân là Mục Kiền Liên ở vùng Kokita thường xuyên đi khắp nơi để tìm thầy học đạo.
Khi nghe danh Đức Phật đang thuyết pháp tại tu viện Veluvana, hai vị liền tìm vào yết kiến và Đức Phật đồng ý thâu nhận 2 ông vào tăng đoàn. Qua 15 ngày sau đó, Xá Lợi Phất chứng quả A la hán và Mục Kiền Liên thì chứng sau một tuần. Đức Phật đã triệu tập Tăng chúng lại và tuyên bố hai ngài là hai vị thượng thủ của Tăng đoàn.
Sau đó Đức Phật trở về thành Ca tỳ la vệ để thăm lại vua cha và gia đình. Mặc dù Ngài chỉ ở lại có 7 ngày, nhưng Ngài đã cảm hóa tất cả những người trong dòng họ và ai cũng muốn xin xuất gia theo Phật: Nan Đà, A Nan Da, A nâu Lâu Đà, La hầu La (con của Phật). Khi về thăm quê hương và gia đình, Đức Phật cùng chư đệ tử lại tiếp tục đi truyền đạo.
Lối thiền Vipassana là lối thiền cổ xưa nhất của đạo Phật
Trong đó, tôn giả A Nan là anh em cô cậu với Đức Phật. A Nan xuất gia theo Phật lúc còn trẻ cùng với 7 vị vương tử khác và ông là người luôn luôn ở bên cạnh Đức Phật cho đến khi Đức Phật nhập diệt.
Hơn nữa, Tôn giả là người duy nhất có thể nhớ được tất cả những bài kinh mà trước đây Đức Phật đã thuyết giảng. Cho nên trong những lần kết tập kinh điển đầu tiên, Tôn giả A Nan là người tụng thuật lại kinh tạng trong khi đó. Mãi một thời gian sau khi Đức Phật nhập diệt thì ông mới chứng được quả A la hán. Ông nhập diệt vào năm 120 tuổi.
Một thời gian sau, khi nghe tin vua cha bị đau nặng sắp băng hà thì Đức Phật vội vã về thăm cha lần cuối. Thấy vua cha buồn rầu trên giường bệnh, Ngài giảng giải về lẽ vô thường, nguồn căn của nỗi khổ cho vua cha nghe. Nghe xong, nhà vua liền dứt hết phiền não và rồi băng hà một cách êm ái.
VII. An cư kiết hạ và những tịnh xá
Tại Ấn Độ thì mùa mưa thường xảy ra giữa tháng 7 và đến tháng 11. Trong khoảng thời gian này Đức Phật không đi thuyết pháp từ nơi này đến nơi khác. Do đó, Ngài cùng chư Tăng tề tựu trong các tu viện để thuyết pháp và tham thiền.
Do đó, khoảng thời gian này được gọi là mùa an cư kiết hạ. Đây cũng chính là thời gian mà chư Tăng sẽ có cơ hội học hỏi từ Đức Chí Tôn trong suốt 49 năm hành đạo của Ngài. Bao nhiêu bộ kinh hay nhất đã được giảng dạy trong lúc này. Đến khi mùa mưa dứt thì Đức Phật cùng tất cả chư Tăng lên đường.
Ngài và đệ tử đi khắp mọi nơi trong nước Ấn Độ và Tây Tạng để thuyết pháp và họ chỉ trở lại đây vào mùa mưa năm tới. Trong đó, những tịnh xá mà Ngài và đệ tử đã từng ghé thăm là: tịnh xá Kỳ Viên ( Jatavana), tịnh xá Rajakarama, Tịnh xá Pubbarama, Tịnh xá Trúc Lâm và Tịnh xá vườn xoài.
VIII. Pháp nạn
Mặc dù đạo Phật dựa trên căn bản từ bi và trí tuệ, nhưng trong suốt cuộc đời hành đạo thì Đức Phật cũng gặp biết bao nhiêu điều cay đắng. Phát sinh từ chính lòng đố kỵ của con người, của ngoại đạo và tà giáo.
1. Âm mưu sát hại Đức Phật của Đề Bà Đạt Đa
Đề Bà Đạt Đa là anh em chú bác của Đức Phật. Thuở nhỏ, ông cùng Thái tử Tất Đạt Đa học tập, nhưng vì tài năng không xuất sắc nên không thắng được mà ôm lòng căm hận. Sau khi đã giác ngộ , Đức Phật về lại cung thành Ca Tỳ La Vệ thăm lại gia đình và cảm hóa những người trong dòng họ Thích Ca xuất gia tu đạo.
Khi nhân duyên đã đến, Đề Bà cùng em ruột là A Nan và 5 vị vương tử khác là A Na Luật, Kiếp Tân Na, Bà Sa, Bạt Đề, Nan Đề đã xuất gia theo Phật.
Trong khoảng 12 năm đầu, ông siêng năng tu hành nhưng lại không đạt được Thánh quả. Do đó, ông đã sinh lòng muốn học thần thông để được lợi dưỡng và thích khoe những điều kỳ lạ để lòe người.
Âm mưu giết hại Đức Phật của Đề Bà Đạt Ma
Thấy vậy, Đức phật đã nhiều lần khuyên ông nên hoàn tục làm cư sĩ. Nhưng vì ham thích sự kỳ bí nên ông ta yêu cầu Phật dạy về pháp môn thần thông. Tuy nhiên, Phật bảo ông trước hết phải lo tu tập cho thân tâm thanh tịnh mà đừng tham cầu phép lạ.
Sau khi Đức Phật từ chối, ông rất tức giận và đến nài nỉ hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Các vị này đã thừa biết tánh hung ác của ông nên đều liền từ chối. Ngược lại các vị chỉ dạy cho ông pháp vô thường và vô ngã. Do đó, Đề Bà Đạt Đa nghĩ rằng nếu không tiêu diệt Đức Phật thì ông không thể tự do tung hoành và coi Đức Phật là kẻ thù không đội trời chung.
2. Tướng cướp Angulimala
Tại xứ Kosala, có một tướng cướp vô cùng khét tiếng hung ác tên là Angulimala. Cha của ông vốn là một vị quan trong triều vua xứ Kosala. Thủa thiếu niên, ông học rất giỏi và rất được các bạn cùng lớp quý mến. Trong lớp học của ông, vì có vài người ghen tỵ ông nên họ đã vu cáo với thầy giáo.
Vị thầy này bắt đầu thù ghét và muốn giết ông bằng cách bắt ông trả học phí bằng 1000 ngón tay của con người. Ông rất khổ tâm nhưng vẫn phải vâng lời thầy và ông đã vào trong rừng Jalini ở Kosala giết người. Khi ông đã thu thập được 999 ngón tay thì Đức Phật xuất hiện.
Ông rất mừng vì sắp đủ số ngón tay cần thiết để nộp cho người thầy giáo ác độc. Do đó, khi thấy Đức Phật, ông liền rút gươm và chạy đuổi theo Phật. Nhưng càng đuổi thì càng không bắt kịp được Phật, mặc dầu Phật vẫn đi khoan thai từ từ. Cuối cùng khi đã mệt lả, ông dừng lại và gọi :” Này Tu sĩ, hãy dừng chân”.
Đức Phật từ tốn:” Mặc dù ta đang đi, nhưng ta đã dừng chân. Còn nhà ngươi, ngươi đã dừng chân hay chưa? Ta không bao giờ ta dùng bạo lực đối với chúng sinh, ngươi hãy dừng tay chớ giết hại đồng loại. Vì vậy mà Ta nói rằng, Ta đã dừng và bảo ngươi cũng hãy dừng tay”.
Hạt giống thiện lành ngày xưa tác động vào tư tưởng của ông. Ông liền vứt gươm xuống đất, quỳ xuống và xin quy y theo Phật.
Dựa trên hai thí dụ trên thì Đức Phật chính là một người lương y đại tài. Vì Ngài tùy theo hoàn cảnh mà khai thông chứ nhất thiết không theo một đường lối cố định nào. Cho dù đó là kẻ thân, người thù, người thông minh hay kẻ đần độn, kẻ giàu sang hay là người nghèo khổ.
IX. Phát huy tinh thần bình đẳng
Lòng từ bi vô bờ bến, tinh thần bình đẳng là một trong những đức tính cao quý khác mà Đức Phật đã phát huy ngay từ khi còn nhỏ. Vì thời bấy giờ trong xã hội Ấn Độ thì sự phân chia giai cấp được coi là rất thịnh hành, trong đó người hạ tiện thì không được phép giao du với cấp cao hơn.
Từ xưa đến nay, Phật giáo là tôn giáo lúc nào cũng rộng mở cho tất cả mọi người, ai ai cũng đều có cơ hội thực hành và trở thành Phật.
X. Nhập diệt
Khi giác hạnh của Đức Phật viên mãn thì Ngài đã 80 tuổi. Cũng giống như mọi người trên thế gian này, thân thể của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi. Cho dù biết trước ba tháng trước ngày nhập diệt, Ngài vẫn không nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.
Một ngày kia, Đức Phật nói với Đại đức A Nan và dặn dò cặn kẽ những điều sau khi Đức Phật nhập diệt. Sau đó. Ngài tắm rửa lần cuối cùng trên dòng sông Kakuttha, rồi bảo ông A Nan làm chiếc giường cho Ngài nghỉ ngơi. Sau đó, Đức Phật nhập Niết Bàn, lúc bấy giờ là vào nửa đêm ngày rằm tháng hai âm lịch.
Đức Phật là một người phi thường nhưng Ngài vẫn tịch diệt như tất cả các chúng sinh
Đức Phật nhập Niết bàn khi Ngài 80 tuổi và mất vào năm 544 trước Tây lịch. Sau khi Ngài nhập Niết bàn, các vị đệ tử đã tẩm liệm xác Ngài vào kim quan và đợi ngài Ca Diếp trở về. Khi Ca Diếp trở về, họ bắt đầu làm lễ trà tỳ ( lễ hỏa thiêu) cho Đức Phật.
Thực hiện đúng như lời dạy của Phật: họ đem nhục thân Xá lợi chia thành 8 phần và đưa cho 8 vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ: nước Magadha, Vesàli, Kapilavatthu, Allakappa, Ramagma, Vethadipa, Pàvà và Kusinagarà. Từ đó, tất cả các nơi đều xây tháp để tôn thờ Xá Lợi Phật.
Ngày nay, đạo Phật vẫn phát triển hưng thịnh và mở rộng với tinh thần nhập thế, trở thành tôn giáo chính của đất nước Việt Nam. Vật phẩm Phật Giáo cung cấp những tài liệu giáo dục Phật giáo cho quý Phật tử cùng những ai có nhu cầu, hi vọng sẽ hữu ích với bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật!